Đà Nẵng khơi thông nguồn lực, giữ vững tăng trưởng kinh tế

Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023 của Đà Nẵng là khơi thông và khai thác hiệu quả lợi thế và tiềm năng của thành phố, hướng đến các nguồn lực phát triển mới nhằm giữ vững tăng trưởng kinh tế.
Một góc Đà Nẵng. (Nguồn: TTXVN)

Năm 2023, thành phố Đà Nẵng chọn chủ đề là "Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội."

Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là khơi thông và khai thác hiệu quả lợi thế và tiềm năng của thành phố, hướng đến các nguồn lực phát triển mới. Từ đó, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết sau gần 3 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kinh tế-xã hội thành phố phục hồi khá tích cực với tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn năm 2022 tăng hơn 14% so với năm 2021, xếp thứ 3 cả nước.

Tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn từng bước được cải thiện, nhiều lĩnh vực có sự khởi sắc mạnh mẽ, nhất là du lịch-ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Tính đến nay, thành phố có gần 37.000 doanh nghiệp với số vốn đạt hơn 240 nghìn tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã tăng 28,5%.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng được ghi nhận với nhiều giải thưởng quan trọng do các tổ chức uy tín trong và ngoài nước bình chọn. Những kết quả đạt được có vai trò và những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Để thực hiện chủ đề năm 2023 "Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội," nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã có những chia sẻ đề xuất các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng lên chính quyền thành phố Đà Nẵng để cùng chung tay, góp sức hoàn thành các mục tiêu đề ra.

[Đà Nẵng liên kết với các khu kinh tế, khu công nghiệp miền Trung]

Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mabuchi Motor Đà Nẵng ông Nakaya Yoichi cho biết nhà máy của công ty hiện có khoảng 4.000 nhân sự đang làm việc tại thành phố; trong đó hầu hết các cấp quản lý đều do người Việt đảm trách. Công ty hiện đang tiếp tục đầu tư các thiết bị cần thiết để sản xuất các sản phẩm mới và trong thời gian qua, có nhiều đối tác của công ty đã đến tham quan, khảo sát đề đầu tư vào miền Trung.

Ông Nakaya Yoichi mong muốn lãnh đạo thành phố xem xét quản lý thích hợp các khu đất chưa sử dụng trong các Khu công nghiệp khác để có thể đảm bảo thu hút được đầu tư mới. Thành phố cần tiếp tục kêu gọi đầu tư các ngành công nghiệp hỗ trợ, nắm bắt nhu cầu cụ thể của các doanh nghiệp; chú trọng hơn nữa vào các hoạt động nhằm phát triển các doanh nghiệp hiện tại cũng như mở rộng ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ; đồng thời đào tạo thêm nhân lực ngành cao đẳng và trung cấp nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp.

Theo ông Nakaya Yoichi, hiện tại phần lớn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ở công ty phải nhập khẩu từ nước ngoài. Lợi ích về mặt chi phí khi mua nguyên vật liệu nội địa và tránh được sự gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID-19 gây ra sẽ ngày càng nâng cao khả năng cạnh tranh sản xuất tại Việt Nam và doanh nghiệp cũng có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Còn ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Vùng miền Trung, Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời Sun Group, đánh giá cao chủ đề năm 2023 của thành phố Đà Nẵng với 8 nhóm giải pháp chính; trong đó, có các giải pháp quan trọng như: đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ các dự án lớn đang triển khai sớm đi vào hoạt động…

Ông Nguyễn Văn Bình mong muốn thành phố đẩy mạnh chiến lược quảng bá, tiếp thị du lịch Đà Nẵng ra quốc tế một cách sâu rộng, bài bản, hướng tới những thị trường trọng điểm. Cùng với đó, thành phố có những đề xuất, kiến nghị thiết thực tới các bộ, ngành Trung ương liên quan tới vấn đề cấp thiết cần sớm nới lỏng chính sách visa theo hướng linh hoạt, cởi mở, thông thoáng, đơn giản hóa các thủ tục để gỡ bỏ rào cản không đáng có trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trải nghiệm dài ngày.

Khách du lịch vui chơi tại các bãi biển Đà Nẵng trong dịp nghỉ lễ năm nay. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Đồng thời, thành phố sẽ có những chủ trương, chính sách cụ thể để hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn, cũng như tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục.

Với các dự án trọng điểm trên địa bàn, mong thành phố chỉ đạo hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng sạch cũng như tạo thuận lợi cho quá trình triển khai dự án.

Ông Nguyễn Văn Bình cho rằng trong bối cảnh ngành du lịch đang có sự cạnh tranh không chỉ giữa các quốc gia, mà còn giữa các địa phương trong mỗi quốc gia để thu hút khách du lịch, Đà Nẵng càng cần chú trọng đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về du lịch, dịch vụ để liên tục làm mới, đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng trải nghiệm để không chỉ hút khách đến, mà còn tăng mức chi tiêu, tăng thời gian lưu trú của khách du lịch. Có vậy mới đẩy nhanh tiến độ phục hồi du lịch, tiến tới con số từ 13-14 triệu lượt khách lưu trú đến năm 2023 như mục tiêu Đà Nẵng đã đề ra.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng Phạm Bắc Bình chia sẻ dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp. Sau khi dịch được kiểm soát, nhiều chủ trương, chính sách của Chính phủ, thành phố được ban hành, điều chỉnh và thực hiện đã khơi thông lại hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng năm 2022 đã thực hiện tốt chức năng, vai trò và vị trí của hiệp hội; bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên.

Theo ông Phạm Bắc Bình, năm 2023, hiệp hội sẽ tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình; tạo diễn đàn cho doanh nghiệp hội viên sinh hoạt, trao đổi công việc kinh doanh của nhau, giúp đỡ các doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; kịp thời cung cấp các thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong việc tìm kiếm và phát triển thị trường, tránh các rủi ro trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

Ông Phạm Bắc Bình mong muốn thành phố công khai minh bạch các chính sách hỗ trợ, các dự án đầu tư của thành phố để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận, tham gia được. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, các hoạt động giao thương. Đồng thời, có các biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của doanh nghiệp để các chính sách hỗ trợ phục hồi thực sự phát huy hiệu quả…

Nhiều doanh nghiệp cũng đã có ý kiến đóng góp mong muốn chính quyền thành phố tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc về nguồn lực đất đai, vốn, lãi suất, hỗ trợ thuế, công nghệ để doanh nghiệp để doanh nghiệp khôi phục và phát triển. Đồng thời, tiếp tục đồng hành cùng thành phố trong việc triển khai các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội tạo động lực để giúp thành phố Đà Nẵng phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục