Sáng 20/9, các trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng triển khai dạy chương trình mới bằng hình thức trực tuyến.
Tuy vậy, việc học chương trình mới trực tuyến khiến nhiều học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp thu bài học.
Có con học lớp 3, Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu), anh Trần Trung Hưng (trú tại phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) chia sẻ: "Buổi đầu tiên dạy chương trình mới, cô giáo mất khá nhiều thời gian để ổn định lớp học, thậm chí có học sinh chưa vào lớp được nên cô phải gọi điện thoại nhắc. Con tôi khi học trực tuyến còn lơ đãng vì lớp đông, cô giáo không thể gọi để tương tác hết được."
Anh Hưng cho biết trong quá trình học trực tuyến, phụ huynh chỉ giúp con khi mới vào lớp, còn lại nên để con tự chủ, không nên ngồi cùng vì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý dạy học của cô giáo và học sinh.
Em Lê Quốc Anh, học sinh lớp 10, Trường Trung học Phổ thông Trần Phú (quận Hải Châu), nói: "Em khó tiếp thu được 100% kiến thức mới qua việc học trực tuyến, vì thời gian ngồi máy tính kéo dài khiến em uể oải, lơ đãng, không tập trung nghe thầy cô giáo giảng."
Thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), cho biết nhà trường đã tổ chức học trực tuyến hơn hai tuần trước khi học chương trình mới nên việc học bài mới cũng diễn ra khá ổn.
Tuy nhiên riêng với học sinh lớp 1, 2 phải có người hỗ trợ kết nối, theo dõi,nhà trường cũng tổ chức dạy những phần nội dung chính, bám sát hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, sử dụng nhiều hình thức dạy khuyến khích học sinh tập trung bài học. Ngoài ra, giáo viên trong quá trình dạy sẽ linh động để cho học sinh giải lao, bảo đảm sức khỏe cho các em.
[Thêm 12 tỉnh thành dạy học trực tuyến phòng, chống dịch COVID-19]
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám Phạm Tấn Ngọc Thụy cho hay trường có 35 lớp với 1.422 học sinh. Thực hiện các chỉ đạo và hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đang tổ chức dạy học trực tuyến bằng hình thức trực tuyến trực tiếp qua phần mềm MS Teams tất cả các khối lớp.
Giáo viên và học sinh dạy học theo lịch phân công theo từng lớp, mỗi buổi 4 tiết, mỗi tiết 30 phút. Tất cả học sinh đều tham gia học và ôn tập đầy đủ. Đúng như yêu cầu, giáo viên thực hiện dạy học đúng các nội dung và thao tác.
Rút kinh nghiệm qua hai tuần đầu dạy ôn tập trực tuyến, nhà trường đã tổ chức dạy học chương trình linh hoạt hơn, ứng xử phù hợp các tình huống phát sinh. Tuy nhiên qua học trực tuyến đường truyền có thời điểm bị gián đoạn.
Đưa ra một số bất cập trong việc triển khai dạy học trực tuyến, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho rằng điều kiện của mỗi khu vực dân cư, mỗi cấp học, mỗi trường, mỗi lớp, mỗi học sinh khác nhau nên khó áp dụng đồng bộ một phương pháp. Hơn nữa phương pháp dạy học trực tuyến cũng gây nhiều băn khoăn, lo lắng trong việc quản lý, hỗ trợ con cái của phụ huynh, đặc biệt là với học sinh nhỏ tuổi.
Ngoài ra, việc dạy, học không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn nhiều vấn đề kết hợp như cảm xúc, kỹ năng, phương pháp… nên dạy học trực tuyến sẽ khó phát huy hiệu quả tối đa. Cùng với đó, việc học sinh phải học trực tuyến kéo dài ít nhiều sẽ có ảnh hưởng tâm lý, gây căng thẳng, ức chế cho học sinh (nhiều báo cáo khoa học đã chứng minh).
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho hay để thực hiện tốt việc truyền đạt kiến thức chương trình mới trong việc dạy học trực tuyến, Sở đã có hướng dẫn cụ thể cho từng cấp học và các đơn vị, trường học.
Riêng đối với học sinh lớp 1, các trường cần ưu tiên tổ chức dạy học các nội dung hình thành kiến thức mới, các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc; thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập phù hợp với hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hoặc có thể hướng dẫn cho học sinh tự học với sự hỗ trợ của phụ huynh; bố trí thời gian thực hiện chương trình đảm bảo tính khoa học, sư phạm, phù hợp với từng hình thức dạy học và không gây áp lực đối với học sinh; đảm bảo cuối năm học đạt được yêu cầu cơ bản cần đạt theo quy định của chương trình.
Đối với học sinh cấp trung học, các trường sẽ tổ chức dạy học bài mới, kiến thức mới cho học sinh; thực hiện theo hướng dẫn điều chỉnh về nội dung dạy học; không dạy nội dung đã được giảm tải theo hướng dẫn của Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo. Việc kiểm tra, đánh giá linh hoạt phù hợp với điều kiện dạy học trực tuyến và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực tâm lý đối với giáo viên và học sinh…
Kiên Giang: Tổ chức dạy học linh hoạt, chủ động ứng phó diễn biến dịch COVID-19
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học chủ động, linh hoạt qua hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc trên truyền hình nội dung môn học, hoạt động giáo dục với thời lượng hợp lý, phù hợp thực tế dịch bệnh tại các địa phương.
Đối với huyện, thành phố đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và không tổ chức dạy học trực tiếp tại trường, triển khai tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trên truyền hình các nội dung lý thuyết, hướng dẫn học sinh khai thác hiệu quả sách giáo khoa để học tập. Riêng học sinh lớp 1, lớp 2, ưu tiên tổ chức dạy học trên truyền hình và không thực hiện kiểm tra; đối với lớp 3 đến lớp 12, tổ chức dạy học trực tuyến là chủ đạo, dạy học trên truyền hình là bổ trợ, ưu tiên cho các lớp cuối cấp.
Đối với các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, khi có chủ trương cho phép học sinh đến trường, tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp; nhất là các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố nội dung lý thuyết đã học trực tuyến, học trên truyền hình, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Tùy vào điều kiện thực tế mỗi địa phương có thể tổ chức nhiều hơn 6 buổi/tuần.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho giáo viên và cán bộ quản lý; sử dụng bài giảng trên truyền hình, kho học liệu số và bản mềm sách giáo khoa tại các trang web của nhà xuất bản để tổ chức dạy học có hiệu quả trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội.
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang xây dựng video bài giảng các nội dung cốt lõi theo hướng tinh giản của bài học, chủ đề các môn học để phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình và bổ sung kho học liệu số. Đồng thời, triển khai hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em;" vận động hỗ trợ máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vì dịch COVID-19.
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Viễn thông Kiên Giang, Viettel Kiên Giang, Bưu điện tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang huy động các nguồn lực tăng cường hạ tầng viễn thông, trang thiết bị, rà soát các điều kiện về công nghệ thông tin và các điều kiện cần thiết khác để phục vụ việc tổ chức hiệu quả dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành liên quan, chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, đề nghị các tổ chức đoàn thể phối hợp tập trung hỗ trợ các cơ sở giáo dục tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, còn thiếu trang thiết bị dạy học trực tuyến bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục./.