Đà Nẵng sẽ tập trung quyết liệt xây dựng thành phố thông minh

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương tham mưu xây dựng Chương trình Chuyển đổi số tại thành phố Đà Nẵng đến năm 2025.
Đà Nẵng sẽ tập trung quyết liệt xây dựng thành phố thông minh ảnh 1Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chủ trì buổi làm việc về tình hình triển khai xây dựng thành phố thông minh và phát triển công nghiệp công nghệ thông tin. (Nguồn: danang.gov.vn)

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án xây dựng thành phố thông minh và phát triển công nghiệp công nghệ thông tin.

Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông chiều 25/9, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả, thành tựu đạt được của quá trình xây dựng thành phố thông minh; đồng thời nhấn mạnh, đã đến lúc thành phố cần phải nhìn nhận, đánh giá lại những mặt hạn chế, chưa đạt được để tập trung, quyết liệt triển khai nếu không muốn đứng trước nguy cơ bị tụt hậu, dù là một trong những địa phương đi đầu, đi sớm nhất trong lĩnh vực này.

Đối với Sở Thông tin và Truyền thông - đơn vị chủ công trong triển khai xây dựng thành phố thông minh, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ đề nghị, trong thời gian đến, tập trung tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố và chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, hoàn thiện các thành phần nền tảng của thành phố thông minh theo kế hoạch đã đề ra, với quyết tâm cao nhất, bởi đây là yếu tố bắt buộc, phải được chuẩn bị đầy đủ làm cơ sở triển khai các giai đoạn tiếp theo.

Đồng thời, khẩn trương tham mưu xây dựng Chương trình Chuyển đổi số tại thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; sớm nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện Trung tâm giám sát điều hành thành phố thông minh.

[Phát triển đô thị thông minh hướng đến phát triển toàn diện con người]

Theo Phó Bí thư Nguyễn Văn Quảng, việc xây dựng Trung tâm giám sát điều hành thành phố thông minh là một trong những yêu cầu cấp bách cần Ủy ban Nhân dân thành phố quyết liệt chỉ đạo triển khai ngay, bởi đây là yếu tố quan trọng giúp giải quyết bài toán chia sẻ và tập trung dữ liệu để quản lý, dùng chung giữa các sở, ban ngành hiện nay.

“Sở Thông tin và Truyền thông phải là đơn vị tham mưu, chịu trách nhiệm triển khai giải pháp tập hợp các dữ liệu hiện đang phân tán tại mỗi cơ quan, đơn vị về một mối, tạo nên cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ quản lý, điều hành của thành phố,” Phó Bí thư Nguyễn Văn Quảng nêu rõ.

Trên cơ sở đó, các sở, ngành liên quan cần nâng cao trách nhiệm trong việc tích hợp và chia sẻ dữ liệu; đồng thời, nâng cao tính chủ động trong việc đề xuất, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn của đơn vị mình.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố tập trung đầu tư, hoàn thiện hạ tầng phục vụ ngành công nghiệp công nghệ thông tin như bảo đảm tiến độ khởi công và đưa vào sử dụng Công viên Phần mềm số 2; khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển, mở rộng các khu Công viên Phần mềm do doanh nghiệp làm chủ đầu tư (FPT, Viettel, VNPT, CMC...) để xây dựng các Trung tâm dữ liệu, các nền tảng xuyên cung cấp dịch vụ xuyên biên giới… Đồng thời, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến với Đà Nẵng.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh cho biết, giai đoạn 2015-2020, tổng kinh phí sự nghiệp đầu tư cho công nghệ thông tin trên 108 tỷ đồng, với 360 chương trình, dự án, được Ủy ban Nhân dân thành phố cấp cho các cơ quan, địa phương làm chủ đầu tư.

Theo thống kê, kinh phí sự nghiệp công nghệ thông tin hàng năm của Đà Nẵng thuộc nhóm thấp trong toàn quốc. Giá trị đầu tư công nghệ thông tin Đà Nẵng năm 2019 chiếm khoảng 0,6% tổng chi ngân sách thành phố (theo Luật Công nghệ thông tin là 2% và theo đề nghị, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông thấp nhất 1%).

Việc triển khai chính quyền điện tử-thành phố thông minh của Đà Nẵng được xác định theo 3 trục tam giác là Hạ tầng-Dữ liệu-Thông minh. Trong từng giai đoạn, việc triển khai các trục thực hiện theo lộ trình, trọng số, mức độ ưu tiên khác nhau nhưng đảm bảo tính bền vững (tam giác đều).

Đối với triển khai chính quyền điện tử, giai đoạn hiện nay, trọng số ưu tiên chủ yếu tại Trục Hạ tầng là hoàn thành phủ sóng mạng 3G, 4G, Internet băng rộng cố định, truyền hình số mặt đất trên địa bàn thành phố; xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại như Mạng viễn thông dùng riêng thành phố (Mạng MAN), Trung tâm dữ liệu, Hệ thống Wifi công cộng, Tổng đài dịch vụ công (1022), Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến.

Trục Dữ liệu tập trung hoàn thành các cơ sở dữ liệu nền như cơ sở dữ liệu công dân, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu nhân hộ khẩu, cơ sở dữ liệu đất đai, bản đồ nền, cơ sở dữ liệu cán bộ công chức, cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính; ứng dụng xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu và quản lý nhà nước chuyên ngành để hình thành 130 cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Trục Thông minh tập trung xây dựng các nền tảng chính quyền điện tử để triển khai các ứng dụng dùng chung; đồng thời, xây dựng, khai thác hiệu quả các ứng dụng dùng chung như Hệ thống thư điện tử, Ứng dụng một cửa điện tử.

Nhìn chung, trong triển khai chính quyền điện tử, các cơ chế, chính sách để ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin được ban hành đầy đủ, kịp thời và thường xuyên bổ sung, cập nhật; các hệ thống, ứng dụng chính quyền đô thị được khai thác, sử dụng hiệu quả trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp.

Ứng dụng công nghệ thông tin đã trở thành công cụ “lõi” trong hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước và Đà Nẵng được đánh giá, xếp hạng dẫn đầu cả nước về chỉ số Vietnam ICT Index 11 năm liên tiếp (2009-2019).

Thành phố đã sớm hoàn thành và hoặc hoàn thành vượt mức 20/21 chỉ tiêu năm 2020 và 11/12 nhiệm vụ giao cho tỉn/ thành triển khai theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ, một chỉ tiêu và một nhiệm vụ còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2020.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay, một trong những khó khăn trong triển khai chính quyền điện tử hiện nay là việc một số dữ liệu còn cát cứ, rời rạc, chưa được chia sẻ để dùng chung giữa các cơ quan thành phố. Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự chú trọng việc xây dựng và sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin.

Cụ thể như việc thu phí, lệ phí dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ sự nghiệp công qua mạng hay không dùng tiền mặt chưa được các cơ quan, đơn vị triển khai tích cực dù công cụ, ứng dụng đã sẵn sàng.

Đối với xây dựng thành phố thông minh, theo Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030, lộ trình triển khai đến hết năm 2020, thành phố tập trung hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin nền tảng và dữ liệu để làm cơ sở cho giai đoạn 2021-2020 triển khai các ứng dụng thông minh.

Đến nay, đã cơ bản hoàn thành 10/13 nhóm mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại Đề án xây dựng thành phố thông minh. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án xây dựng thành phố thông minh hầu hết sử dụng công nghệ và giải pháp triển khai mới, thậm chí chưa được ứng dụng thực tế tại Việt Nam, đồng thời ứng dụng cần có tương thích tổng thể; do vậy, việc lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ tốn nhiều thời gian nhằm bảo đảm khả thi và hiệu quả.

Về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, ông Nguyễn Quang Thanh cho biết năm 2019, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt 19.570 tỷ đồng, tăng 21,3% so với năm 2018.

Kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 89 triệu USD, tăng 14,3% so với năm 2018. Tính đến cuối năm 2019, ngành công nghiệp công nghệ thông tin-truyền thông đóng góp 7,7% GRDP toàn thành phố, cao hơn mục tiêu 6%.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành công nghệ thông tin-truyền thông vẫn tăng trưởng 4,69%.

Hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư mở rộng, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đà Nẵng đã được công nhận 2 khu công nghệ thông tin tập trung, hoàn thành mục tiêu từ 2-3 khu công nghệ thông tin tập trung theo Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin tập trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Ước tính, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị tăng thêm (VA) của ngành công nghiệp công nghệ thông tin-truyền thông trong giai đoạn 2015-2019 là 9%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDRP thành phố (7,3%/năm), đưa ngành công nghiệp công nghiệp thông tin trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Tuy nhiên, hiện nay, nhân lực công nghệ thông tin số lượng vẫn còn ít và thiếu hụt nhân lực có trình độ chuyên môn sâu; tỷ lệ gần 65% doanh thu của các doanh nghiệp phần mềm chủ yếu vẫn là gia công; một số các dịch vụ công nghệ thôn tin như phát triển các nền tảng lớn (Core Banking, sàn thương mại điện tử...) phân tích dữ liệu, dịch vụ lưu trữ chưa được đầu tư để cung cấp cho các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục