Đa số cử tri Hà Lan phản đối hiệp định liên kết EU-Ukraine

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức ngày 6/4 tại Hà Lan cho thấy đa số cử tri nước này phản đối việc phê chuẩn hiệp định liên kết EU-Ukraine.
Đa số cử tri Hà Lan phản đối hiệp định liên kết EU-Ukraine ảnh 1Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đi bỏ phiếu trưng cầu ý dân về phê chuẩn hiệp định liên kết EU-Ukraine. (Nguồn: Reuters)

 Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức ngày 6/4 tại Hà Lan đưa tin, đa số cử tri nước này phản đối việc phê chuẩn hiệp định liên kết giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine. 

Theo hãng thông tấn ANP của Hà Lan, kết quả kiểm phiếu tại 191 điểm bỏ phiếu (tương đương 38,9% số phiếu) cho thấy có tới 61% cử tri nước này bày tỏ ý kiến phản đối khi trả lời câu hỏi được đưa ra bỏ phiếu là "Bạn ủng hộ hay phản đối việc phê chuẩn hiệp định liên kết giữa EU và Ukraine?"

Cũng theo ANP, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt trên 30%, điều kiện cần thiết để cuộc trưng cầu ý dân được coi là hợp lệ.

Cuộc trưng cầu nêu trên không mang tính ràng buộc đối với Chính phủ Hà Lan. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định đây được xem là phép thử đối với EU và việc người dân phản đối thỏa thuận sẽ là một “bước lùi” của Chính phủ Hà Lan, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EC).

Hiện chưa rõ Chính phủ Hà Lan sẽ phản ứng ra sao khi người dân chống lại thỏa thuận liên kết này.

Ngay trước khi bắt đầu cuộc trưng cầu, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã kêu gọi cử tri ủng hộ hiệp ước liên kết EU-Ukraine, cho rằng thoả thuận sẽ giúp mang lại “sự ổn định hơn cho khu vực biên giới ngoài EU” cũng như giúp Ukraine “xây dựng một nhà nước pháp quyền và một nền dân chủ.”

Thỏa thuận nêu trên được cho sẽ giúp tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa về kinh tế và chính trị giữa EU với Ukraine.

Cho tới nay, Hà Lan là quốc gia duy nhất trong EU chưa phê chuẩn Hiệp định liên kết EU-Ukraine dù trước đó đã được Quốc hội nước này thông qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.