Khoảng cách giàu nghèo đang trở thành một vấn đề nóng trong xã hội Mỹ và được dự báo tiếp tục là một chủ đề tranh cãi trong cuộc tổng tuyển cử 2016 khi kết quả thăm dò mới nhất cho thấy đa số người dân Mỹ muốn chính phủ liên bang đánh thuế cao đối với thiểu số những người giàu có.
Kết quả thăm dò của tổ chức Gallup công bố ngày 5/5 cho biết trong hơn 1.000 người Mỹ từ 18 tuổi trở lên ở 50 bang và thủ đô Washington DC được phỏng vấn ngẫu nhiên qua điện thoại, ở thời điểm hiện tại có 63% nói rằng tiền bạc và của cải của nước Mỹ cần phải được phân phối lại một cách công bằng hơn.
Để đạt được mục tiêu này, người dân Mỹ cho rằng chính phủ liên bang cần phải có một chính sách theo đó áp thuế cao đối với thiểu số những người giàu có nhất đang nắm phần lớn của cải và tiền bạc của nền kinh tế đầu tàu thế giới này.
Theo kết quả thăm dò, có 86% người Mỹ thuộc đảng Dân chủ, 85% người Mỹ theo trường phái tự do so với chỉ có 34% người Mỹ thuộc đảng Cộng hòa và 42% người Mỹ bảo thủ ủng hộ việc tái phân phối tài sản thông qua biện pháp áp thuế cao đối với thu nhập của những người giàu có.
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng đã trở thành một vấn đề nóng trong xã hội và trong các cuộc bầu cử ở Mỹ. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay từ trong chiến dịch tranh cử năm 2008 đã nhấn mạnh việc thay đổi bộ luật thuế như một phương thức thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhưng mọi đề xuất từ đó tới nay đều bị phe Cộng hòa tại Quốc hội ngăn cản.
Trong Thông điệp liên bang 2015 được đọc vào cuối tháng Một vừa qua, ông Obama một lần nữa đề xuất nâng mức đánh thuế vào thu nhập của những người giàu có nhất nước Mỹ cũng như các công ty tài chính lớn nhất, coi đây là một biện pháp giúp củng cố tầng lớp trung lưu - lực lượng cử tri đông đảo nhất của mọi kỳ bầu cử.
Chủ trương của ông Obama là bịt các lỗ hổng trong bộ luật thuế cho phép những người Mỹ giàu có nhất được miễn thuế một số loại tài sản, nâng thuế thu nhập của những người này từ 23,8% hiện nay lên 28 % và tăng thuế đối với các doanh nghiệp tài chính có tài sản từ hơn 50 triệu USD.
Tuy nhiên, tất cả các đề xuất từ năm 2009 tới nay của chính quyền Obama đều bị các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa ngăn chặn. Quan điểm phổ biến của các nhà lập pháp đảng Cộng hòa là san bằng mức thuế đối với tất cả người Mỹ thay vì chỉ áp thuế cao đối với những người giàu có nhất.
Với hơn 45 triệu người vẫn đang sống dưới mức nghèo khó, nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giờ đây cũng trở thành một trong những vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử ghế tổng thống năm 2016 của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Ba Thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa là Bernie Sanders và Rand Paul trong các phát biểu mới đây cũng đã phải đề cập tới vấn đề này.
Lý do các ứng cử viên tiềm tàng này của đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử 2016 phải lên tiếng trong vấn đề giàu nghèo là từ bài học của cựu ứng cử viên Mitt Romney năm 2012 đã bị thất cử trước ông Obama một phần là do ứng viên của đảng Cộng hòa này bị chỉ trích mạnh mẽ với phát biểu nói rằng ông ta không quan tâm tới những người quá nghèo. Khối cử tri da đen và cử tri nói tiếng Tây Ban Nha, với 27% và 25% thuộc diện nghèo khó, là lực lượng dành sự ủng hộ áp đảo cho ông Obama trong cả hai kỷ bầu cử 2008 và 2012.
Theo các số liệu thống kê, năm 2009, thiểu số 1% người giàu nhất nước Mỹ nắm giữ 95% thu nhập trong khi 90% dân số còn lại ngày một nghèo hơn.
Khoảng cách giàu nghèo cũng được phản ánh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tỷ lệ con em các gia đình có thu nhập thấp nhất, khoảng 34.00 USD/năm trở xuống, có bằng đại học chỉ tăng từ 6% năm 1970 lên 9% năm 2013. Trong khi đó, tỷ lệ con em các gia đình giàu nhất ở Mỹ, thu nhập từ 110.000 USD/năm trở lên, có bằng đại học tăng đột biến từ 44% lên 77% cùng thời gian này.
Tổng thống Obama năm 2015 đã nhiều lần đề xuất miễn học phí hai năm đối với các trường cao đẳng cộng đồng nhằm giúp trẻ em của những gia đình có thu nhập thấp có điều kiện đến trường./.