Đa số người dân Mỹ ủng hộ hiệp định toàn cầu bảo vệ Trái Đất

Đa số người dân trên khắp nước Mỹ được phỏng vấn ngẫu nhiên qua điện thoại cho rằng Mỹ cần phải tham gia vào một hiệp định có tính ràng buộc toàn cầu về biến đổi khí hậu.
Đa số người dân Mỹ ủng hộ hiệp định toàn cầu bảo vệ Trái Đất ảnh 1Ống khói của một nhà máy ở Mỹ. Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Trong một dấu hiệu phản ánh rõ tính chất cấp bách của việc cùng ngăn chặn các nguồn khí thải độc hại gây tác động tới môi trường sống của nhân loại, đa số người dân Mỹ bày tỏ ủng hộ hiệp định toàn cầu về biến đổi khí hậu dự kiến sẽ được ký kết tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đang diễn ra tại Paris (Pháp).

Kết quả thăm dò chung của CBS News/New York Times, công bố ngày 30/11, cho biết đa số trong số hơn 1.000 người Mỹ trên khắp cả nước được phỏng vấn ngẫu nhiên qua điện thoại cho rằng Mỹ cần phải tham gia vào một hiệp định có tính ràng buộc toàn cầu về biến đổi khí hậu. Cụ thể có 63% số ý kiến ủng hộ áp đặt những quy định và biện pháp nhằm cắt giảm khí thải độc hại từ các nhà máy điện so với 31% số người phản đối.

Có 49% người ủng hộ và 45% ý kiến phản đối việc hạn chế khoan thăm dò dầu khí ở các vùng đất công. Cũng có một tỷ lệ ủng hộ tương tự đối với việc áp đặt các thứ thuế mới đối với việc sử dụng điện và xăng dầu.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân đối với vấn đề biến đổi khí hậu có thể sẽ trở thành động cơ thúc đẩy các nhà đàm phán Mỹ đang tham dự COP21. Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận toàn cầu nào đạt được tại hội nghị lần này cũng sẽ đặt chính quyền của Tổng thống Barack Obama vào một tình thế khó khăn do những mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ chính giới Mỹ. Gần như toàn bộ các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa tại Quốc hội và nhiều Thống đốc của đảng này tại các bang đã lên tiếng phản đối đề xuất của chính quyền hạn chế nguồn khí thải độc hại từ các nhà máy điện.

Ngày 30/11, phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị COP21 tại Paris, Tổng thống Obama hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhận thức rõ trách nhiệm thời đại đối với việc cắt giảm khí thải độc hại để ngăn chặn những thảm họa đối với Trái Đất và những khổ đau đối với các thế hệ tương lai, trong đó có nguy cơ nhiều thành phố và làng mạc bị nước biển nhấn chìm và biến mất.

Trước đó bên lề hội nghị, Tổng thống Obama đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, ông Obama cho biết Mỹ và Trung Quốc, với tư cách là hai nước có lượng thải khí carbon nhiều nhất thế giới, đã nhất trí cùng nhau hành động một cách có trách nhiệm trong vấn đề cấp bách này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.