Đặc phái viên LHQ kêu gọi quốc tế trừng phạt nhóm IS tại Iraq

Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Iraq kêu gọi cộng đồng quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm cô lập nhóm Vương quốc Hồi giáo ở Iraq.
Thành viên nhóm Vương quốc Hồi giáo. (Nguồn: AFP)

Ngày 23/7, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Iraq, ông Nickolay Mladenov, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm cô lập nhóm Vương quốc Hồi giáo (IS) đang kiểm soát một vùng rộng lớn tại Iraq.

Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đặc phái viên Nickolay tố cáo IS đã thực hiện các vụ ám sát, bắt cóc, giam giữ con tin và kêu gọi cơ quan này có các bước đi quyết liệt buộc IS chấm dứt các hành động tàn bạo nói trên.

Ông cho biết chỉ riêng trong tháng Bảy, hơn 900 người đã bị IS giết hại, hàng chục nghìn người Cơ đốc giáo và các cộng đồng thiểu số khác ở tỉnh Ninewa bị IS xua đuổi trong khi nhiều người khác bị hành quyết hoặc bắt cóc.

Ông Nickolay đề nghị Liên hợp quốc kêu gọi các thành viên hợp tác trong việc trừng phạt nhằm IS, bắt giữ những kẻ phạm các tội ác chống lại loài người.

Đặc phái viên Liên hợp quốc nhấn mạnh người dân Iraq cần nhanh chóng bầu ra một chính phủ để lãnh đạo đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng, song ông cũng thừa nhận Baghdad khó thành lập chính phủ mở rộng trong bối cảnh đang phải đối mặt với những nguy cơ lớn đe dọa đến sự tồn vong của nhà nước Iraq.

IS đã bị Liên hợp quốc liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố và là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt quốc tế. Trước đó, Hội đồng Bảo an cũng đã lên án việc IS thực hiện các hành động khủng bố nhằm vào người Cơ đốc giáo và kêu gọi các chính trị gia Iraq hợp tác để chống lại nhóm Hồi giáo cực đoan này.

Trong khi đó, tại Washington, chính quyền của Tổng thống Barack Obama tiếp tục giải trình với các nghị sỹ về tình hình Iraq.

Phó Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Brett McGurk thừa nhận Mỹ đã đổ hàng tỷ USD để xây dựng và huấn luyện cho quân đội Iraq, vì vậy Washington thực sự bất ngờ khi quân chính phủ lại tan rã nhanh chóng trước làn sóng tấn công của các phiến quân nhóm IS và các nhóm nổi dậy người Sunni.

Tuy nhiên, nhằm trấn an giới nghị sỹ, ông Brett cho biết với sự trợ giúp của Mỹ, trong đó có cả những chuyến bay do thám liên tục 24/24 trong những tuần gần đây, quân đội Iraq đang bắt đầu giành lại ưu thế trước IS. Theo ông, hiện tại, quân đội Mỹ đã thành lập các trung tâm chỉ huy hỗn hợp cả ở Baghdad và Arbil.

Bên cạnh đó, các sỹ quan mới có năng lực hơn đã được bổ nhiệm thay thế cho những chỉ huy đã bị cách chức do chịu trách nhiệm về thất bại nặng nề của quân đội Iraq trước IS tại Mosul. IS hiện kiểm soát 1/3 lãnh thổ Iraq, trong đó có cả thành phố chiến lược Mosul.

Đối với chỉ trích của các nghị sỹ Mỹ về việc chính quyền đã không làm đủ để hỗ trợ Chính phủ Iraq, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Brett cho biết đề nghị của Iraq về việc thực hiện các cuộc không kích bằng máy bay không người lái nhằm vào lực lượng nổi dậy mới được đưa ra hồi tháng Năm và hiện tại vẫn đang được chính quyền Mỹ cân nhắc.

Theo ông, Tướng Lloyd Austin, Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm, sẽ đến Iraq trong ngày 25/7 nhằm đánh giá và thảo luận các biện pháp hỗ trợ cụ thể để giải quyết tình hình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục