Sự lớn mạnh của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo và vùng Levant” (ISIL) với mưu đồ từng bước vẽ lại bản đồ Trung Đông đã khiến quốc gia láng giềng của Iraq là Iran hết sức lo ngại.
Những bước tiến của ISIL đang đe dọa “vòng cung Shiite” do Iran đứng đầu buộc Tehran phải hành động để duy trì vai trò và ảnh hưởng trong khu vực.
Đối với Iran, cả hai chính quyền Shiite của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và Tổng thống Iraq Nuri Al-Maliki đều có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ các lợi ích quốc gia của Tehran cũng như duy trì “vòng cung Shiite” (gồm Iraq, Syria và một bộ phận Liban) để đối phó với các cộng đồng người Sunni cực đoan. Vì thế, không phải đến khi ISIL nổi lên mà từ lâu, Tehran đã không tiếc tiền đầu tư cả về chính trị, kinh tế-tài chính, quân sự và chiến lược cho các nước Shiite để giúp các chính thể hiện nay duy trì được quyền lực.
Thực tế cho thấy giới lãnh đạo Iran, dù là Tổng thống theo đường lối cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad trước đây hay Tổng thống theo đường lối ôn hòa Hassan Rouhani hiện nay luôn tìm cách đảm bảo rằng Iraq, Syria và Liban nằm trong tay những người theo dòng Shiite bất chấp sự nổi dậy của các lực lượng chống đối dòng Sunni và sự thao túng của các thế lực bên ngoài như Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng do ISIL gây ra lại mang màu sắc khác. Nó đang đặt chính quyền của Tổng thống Rouhani trước những khó khăn mới trong bối cảnh Tehran chưa bao giờ gần gũi với phương Tây như hiện nay.
Quá mạnh tay với ISIL ngay thời điểm hiện nay sẽ tạo ra sự đối đầu nguy hiểm giữa hai nhóm sắc tộc Sunni và Shiite và điều đó có thể đẩy Trung Đông chìm sâu vào vòng xoáy bạo lực không lối thoát. Thế nhưng, “án binh bất động” cũng không phải là sự lựa chọn khôn ngoan khi Iran đang lãnh trách nhiệm quốc gia cầm trịch “vòng cung Shiite.” Vì vậy, đây có thể coi là thách thức an ninh chiến lược lớn nhất mà Iran phải đối mặt kể từ khi Mỹ phát động chiến tranh tại Iraq năm 2003.
Trong tuyên bố gần đây, nhà lãnh đạo Iran đã cáo buộc một số nước Arập “nuôi dưỡng những kẻ khủng bố (ám chỉ ISIL) bằng nguồn lợi thu được từ dầu mỏ,” đồng thời cảnh báo hành động thiếu khôn ngoan đó sẽ tác động xấu tới chính những nước này trong tương lai.
Để đối phó với mối đe dọa từ ISIL, Iran đã cử lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) sang Iraq tham chiến. Với đội quân tinh nhuệ này, Iran hy vọng có thể nhanh chóng đẩy lùi chiến dịch tấn công của các tay súng ISIL; đồng thời “bẻ gẫy” sự ủng hộ ISIL đang lên cao trong cộng đồng người Sunni vốn chiếm 25% trong tổng dân số Iraq.
Bên cạnh việc bí mật gửi quân trợ giúp Iraq, Iran cũng thúc ép Syria hỗ trợ chính quyền Baghdad, cho dù bản thân Damacuss cũng đang chìm trong xung đột do phe đối lập và hệ thống “chân rết” của ISIL tiến hành. Sự cộng tác này là không thể thiếu vì cả ba nước hiện đang đối mặt với kẻ thù chung là ISIL.
Đối với Iran, việc chủ động giúp Iraq bình ổn tình hình có thể gọi là "một mũi tên trúng nhiều đích." Việc Iran ra tay giúp cựu thù để chống lại các tổ chức Hồi giáo cực đoan, duy trì hòa bình trong nước, bất luận nhìn từ góc độ nhân đạo hay trách nhiệm nước lớn trong khu vực, đều có thể nâng cao trách nhiệm đạo đức cũng như thay đổi hình ảnh của nước này trong con mắt cộng đồng quốc tế.
Hơn nữa, việc lực lượng ISIL ở miền Bắc Iraq lớn mạnh cũng có thể là mối đe dọa đối với an ninh biên giới cũng như ổn định chính trị bên trong Iran, nên việc Teheran chủ động đưa quân sang giúp Iraq vừa có lợi cho ổn định trong nước, vừa giành được lợi thế về mặt an ninh địa chính trị. Quan trọng hơn, Iran mượn động thái này để tiếp tục chìa "cành ôliu" cho Mỹ và châu Âu, hóa giải áp lực cấm vận trong một thời gian dài mà các nước phương Tây áp đặt do vấn đề hạt nhân.
Theo nhận định của giới chuyên gia, cuộc xung đột ở Iraq càng kéo dài thì chính phủ của Thủ tướng al-Maliki càng phụ thuộc vào Iran, đặc biệt khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thẳng thừng tuyên bố sẽ không cử binh lính trở lại Iraq tham chiến mà thiên về hướng dựa vào Iran để chia sẻ mối lo ngại trước các hoạt động của ISIL.
Sau nhiều năm bị cô lập vì hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây, Iran đang dần trở thành một thế lực quan trọng trong cộng đồng quốc tế dựa trên sức mạnh về kinh tế và chính trị. Hiện Iran nằm trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và được dẫn dắt bởi chính phủ mạnh nhất trong lịch sử nước này.
Nếu Iran giúp chặn được ISIL ở ngoài Baghdad, không cho lực lượng này chiếm đóng thủ đô Iraq thì uy tín của Iran tại Syria sẽ càng được nâng cao. Khi đó, nước này cùng với đồng minh là Phong trào Hezbollah thân Iran ở Liban sẽ được coi là lực lượng duy nhất có khả năng đánh bại các tổ chức khủng bố thuộc mạng lưới của Al-qaeda.
Tehran sẽ trở thành nhà lãnh đạo đương nhiên trong khối các quốc gia Hồi giáo dòng Shiite và trở thành nhân tố đảm bảo an ninh quan trọng cho các nước này.
Vì thế, có thể nói rằng cuộc khủng hoảng tại Iraq xuất phát từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của các lực lượng Hồi giáo Sunni cực đoan đang vô tình khiến cán cân quyền lực tại Trung Đông nghiêng dần về phía Iran, tạo cơ hội cho Tehran mở rộng ảnh hưởng sang phía Tây, nơi có cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite lớn nhất thế giới.
Không chỉ thế, trước những mối đe dọa tiềm tàng từ ISIL, phong trào Hezbollah ở Liban, các cộng đồng người Shiite ở Bahrain, Kuwait và các tỉnh phía Đông Saudi Arabia cũng đang có ý hướng về Iran để có thêm sức mạnh đẩy lùi nguy cơ bị ISIL càn quét./.