Ngày 21/3, tại huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), đã diễn ra Lễ hội "Võ Nhai nơi cội nguồn" và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh nơi thành lập chính quyền cách mạng của huyện tại xã La Hiên.
Đây là lễ hội văn hóa quy mô lớn nhằm quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa, lịch sử, các danh lam thắng cảnh độc đáo của mảnh đất Võ Nhai đến với đông đảo du khách trên mọi miền của đất nước, góp phần thúc đẩy tiềm năng du lịch của huyện cũng như tỉnh Thái Nguyên.
Lễ hội mở đầu bằng chương trình nghệ thuật đặc sắc tái hiện lịch sử về một miền quê Võ Nhai anh hùng trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù để bảo vệ quê hương, đất nước và một vùng đất Võ Nhai mới đang chuyển mình, cùng với nhân dân trong tỉnh xây dựng quê hương Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp.
Đến với lễ hội "Võ Nhai nơi cội nguồn" du khách được tham dự nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn như thi đầu các môn thể thao truyền thống (chọi gà, chạy cà khoeo, kéo co, bắn nỏ); thi múa khèn của đồng bào dân tộc Mông, thi trình diễn pha trà của các Trà nương; giao lưu văn nghệ...
Cùng với việc tái hiện phiên chợ tình của đồng bào dân tộc Mông, huyện Võ Nhai còn tổ chức phiên chợ vùng cao với đầy đủ các sản vật, các món ăn đặc trưng của bà con các dân tộc được bày bán và chế biến tại chợ.
Đây cũng là điểm nhấn đặc biệt, thu hút đồng bào các dân tộc ở khu vực lân cận đến với lễ hội, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng ở Võ Nhai.
Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên, nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng như Di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm (Thần Sa) - nơi cư trú của người nguyên thủy và là nơi phát hiện các di vật đá đặc trưng của các nền văn hóa Bắc Sơn, Hòa Bình, Sơn Vi có niên đại hàng chục nghìn năm; di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh - nơi thành lập Trung đội Cứu quốc quân II (Tràng Xá) - một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay và là nơi bác Hồ từng sống và làm việc; di tích khảo cổ học ở Thần Sa - một trong những cái nôi của người Việt cổ; danh thắng hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà (Phú Thượng).
Đặc biệt nhất là phiên chợ tình của người Mông diễn ra vào ngày 26/3 (âm lịch) hằng năm.
Việc tổ chức Lễ hội "Võ Nhai nơi cội nguồn" không chỉ mang ý nghĩa quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương, mà còn góp phần từng bước thực hiện có hiệu quả đề án "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Võ Nhai giai đoạn 2010-2015"./.