Đặc sản vú sữa tím Sóc Trăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ

Bên cạnh liên kết doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ, hợp tác xã còn liên kết và cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở các tỉnh như Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang.
Vú sữa tím Sóc Trăng. (Nguồn: baosoctrang)

Mới vào đầu vụ thu hoạch nhưng người dân trồng vú sữa tím trên địa bàn xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, Sóc Trăng, đã rất phấn khởi khi vụ vú sữa tím vừa trúng mùa vừa được doanh nghiệp bao tiêu xuất khẩu sang thị trường Mỹ với giá cao.

Đây là tín hiệu đáng mừng cho nhà vườn ở Sóc Trăng bởi mặt hàng nông sản của địa phương đã dần khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế.

Năm nay, hộ ông Sử Bảo Quốc ở ấp 3, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, Sóc Trăng, không còn phải lo tìm đầu ra cho trái vú sữa nữa, bởi tham gia vào Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Mãi, toàn bộ diện tích vú sữa tím 0,6ha của gia đình đã được bao tiêu để xuất khẩu sang Mỹ với giá cao gấp đôi so với giá thị trường nội địa. Theo tính toán của ông Quốc, vườn vú sữa của gia đình năm nay ước tính thu hoạch không dưới 20 tấn trái.

Theo ông Sử Bảo Quốc, năm nay, nhà vườn ở đây đều phấn khởi bởi được mùa và giá cả ổn định. Cũng nhờ vào hợp tác xã làm đầu mối, với việc doanh nghiệp bao tiêu hết sản lượng nên bà con nhà vườn rất yên tâm sản xuất, không sợ bị rớt giá như những vụ trước.

Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Mãi ở xã Trinh Phú, huyện Kế Sách hiện có 23 hộ thành viên tham gia trồng vú sữa tím, ước tính sản lượng trái năm nay đạt từ 1.000-1.200 tấn. Theo đó, hợp tác xã đã liên kết với các doanh nghiệp thu mua với giá bao tiêu 30.000 đồng/kg đến cuối vụ (khoảng cuối tháng 3/2023); giá bao tiêu này là cao hơn so với giá thị trường nội địa từ 10.000-15.000 đồng/kg, từ đầu vụ thu hoạch đến nay đã có gần 20 tấn vú sữa tím được thu hoạch và xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Bên cạnh liên kết doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ, hợp tác xã còn liên kết và cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở các tỉnh như Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang.

Ông Sử Quốc Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Mãi, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, cho biết thêm ngay từ đầu vụ thu hoạch vú sữa tím năm nay, doanh nghiệp đã tìm đến và ký hợp đồng bao tiêu sản lượng vú sữa đến hết vụ với hợp tác xã, tình hình xuất khẩu sang thị trường Mỹ rất triển vọng, nên giá cả vẫn được duy trì ổn định với mức 30.000 đồng/kg đến cuối vụ làm bà con xã viên rất yên tâm.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, các hợp tác xã đã xuất khẩu tổng cộng trên 154 tấn vú sữa đi các nước.

[Sản lượng vú sữa xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng gấp ba lần]

Tại Hợp tác xã Nông nghiệp Trinh Phú (xã Trinh Phú huyện Kế Sách), việc quan tâm nâng cao chất lượng và đảm bảo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để trái vú sữa đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật được thị trường “khó tính” như Hoa Kỳ chấp nhận luôn được hợp tác xã đặc biệt chú trọng.

Hợp tác xã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng xây dựng mô hình sản xuất cây vú sữa đạt tiêu chuẩn VietGAP quy mô 49 ha với sự tham gia của hơn 20 thành viên.

Tham gia mô hình, các thành viên đã tuân thủ đúng quy trình VietGAP. Từ khi đậu quả (trái), các thành viên hợp tác xã phải bao từng quả một để chống ruồi vàng đục quả, khi thu hoạch cũng phải cẩn thận, nhẹ tay để trái không bị cấn, dập vỏ... sự kỹ lưỡng từ khâu chăm sóc đến an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy trình nghiêm ngặt mới đảm bảo cho trái vú sữa tím đủ tiêu chuẩn để “xuất ngoại.”

Việc xây dựng mã số chứng nhận chất lượng vùng trồng cũng được quan tâm. Ông Hồ Văn Hội, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Trinh Phú cho rằng, ngành chuyên môn đã rất quan tâm, hỗ trợ Hợp tác xã và các hộ trồng vú sữa tím.

Việc xây dựng mã số xác định vùng trồng đã giúp người nông dân sản xuất có trách nhiệm hơn, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ trong quá trình canh tác, người tiêu dùng chỉ cần tra mã Code là biết được nguồn gốc xuất xứ.

Do đó, chấp hành nghiêm các quy định kỹ thuật khi sản xuất của doanh nghiệp xuất khẩu đưa ra sẽ bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình và tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng.

Đến nay, trên địa bàn huyện Kế Sách tỉnh Sóc Trăng đã có hơn 2.145 ha trồng vú sữa và 3 hợp tác xã liên kết tiêu thụ vú sữa chiếm hơn 40% diện tích. Địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm, triển khai các tiến bộ kỹ thuật giúp nhà vườn tiết kiệm chi phí sản xuất, đảm bảo trái vú sữa an toàn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài khó tính.

Ông Vũ Bá Quan, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, cho biết hướng tới địa phương sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất vú sữa tím, đồng thời, tuyên truyền bà con tăng cường các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và xây dụng thương hiệu cho trái vú sữa tím ở địa phương.

Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ đẩy mạnh việc triển khai “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ trên cây vú sữa,” mục tiêu là hướng đến sản phẩm sạch an toàn để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, góp phần tăng giá trị cho trái vú sữa và đem lại thu nhập cao cho nông hộ.

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, nhằm phát triển diện tích cây ăn trái đặc sản của tỉnh bền vững, gắn thị trường tiêu thụ, tỉnh Sóc Trăng đang thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh tập trung dựa trên thế mạnh đất đai và khí hậu của từng địa phương; xây dựng và phát triển mạng lưới cung cấp giống cây ăn trái có chất lượng cao.

Xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm, tạo mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản ở địa phương, nhất là xây dựng mã Code cho vùng trồng vú sữa tím...

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 28.500 ha cây ăn trái, trong đó, tập trung nhiều nhất tại huyện Kế Sách, với diện tích hơn 18.000 ha. Sóc Trăng đã quy hoạch được 20 vùng trồng đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP.

Để đảm bảo tiêu thụ và chế biến sản phẩm trái cây ổn định, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp đơn vị liên quan quảng bá sản phẩm của tỉnh đến nhiều doanh nghiệp, công ty với mục tiêu mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Tổ chức liên kết sản xuất và xây dựng mã số vùng trồng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu cao như: Mỹ, châu Âu.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục