Đại án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam: Truy tố 254 bị cáo với tổng cộng 11 tội danh

Theo cáo trạng, đại án đăng kiểm là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế quy mô đặc biệt lớn, mang tính hệ thống và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Ngày 19/7, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm, Chi cục Đăng kiểm địa phương.

Trong ngày 18/7 và sáng 19/7, Hội đồng Xét xử đã thẩm tra xong lý lịch của các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và bị hại có mặt tại phiên tòa.

Các bị cáo, luật sư; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và đại diện Viện Kiểm sát không có ý kiến gì thêm về phần thủ tục.

Đến 9 giờ 30 phút, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu công bố bản cáo trạng dài khoảng 341 trang.

Có 254 bị cáo bị truy tố và đưa ra xét xử về tổng cộng 11 tội danh, gồm: Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tham ô tài sản.

Trong số 254 bị cáo, hai bị cáo là cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình cùng 101 đồng phạm bị xét xử về tội Nhận hối lộ theo Khoản 4 Điều 354 Bộ Luật Hình sự có khung hình phạt lên đến tử hình.

Có 133 bị cáo đang bị tạm giam, 120 bị cáo tại ngoại và 1 bị cáo đã bỏ trốn là Đỗ Trung Học (cựu Trưởng Phòng tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam), hiện đang bị truy nã và được đưa ra xét xử vắng mặt.

ttxvn_1907_dang kiem (2).jpeg
Những cá nhân, đại diện tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có mặt tại phiên tòa. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Theo cáo trạng, đại án đăng kiểm là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế quy mô đặc biệt lớn, mang tính hệ thống và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Các bị cáo là lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam; lãnh đạo các Phòng, Trung tâm, Chi cục Đăng kiểm trực thuộc vì vụ lợi, động cơ cá nhân đã thống nhất chỉ đạo các đăng kiểm viên cấp dưới nhận tiền từ các chủ phương tiện để bỏ qua lỗi, điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật...; buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát; móc nối với các doanh nghiệp, chủ phương tiện, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi pháp luật hình sự.

Kết quả điều tra xác định: Phòng Kiểm định xe cơ giới (phòng VAR) vốn có chức năng tham mưu giúp Cục trưởng quản lý công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới, kiểm tra xe máy chuyên dùng đang lưu hành trong phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo xe cơ giới, các lãnh đạo, đăng kiểm viên, chuyên viên phòng VAR đã lợi dụng vị trí công tác, nhận tiền hối lộ của các công ty từ 1,5 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng/hồ sơ để không thực hiện đúng quy trình thẩm định, kiểm tra theo Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế, từ đó cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới trái quy định.

Việc nhận tiền, bỏ qua lỗi được xác định bắt đầu từ tháng 3/2019, khi Trần Anh Quân được bổ nhiệm chức vụ quyền Trưởng phòng VAR. Các đăng kiểm viên được phân công thẩm định hồ sơ thiết kế đã gặp Quân để báo cáo về việc có nhận tiền hối lộ của nhiều công ty thiết kế trong quá trình thẩm định hồ sơ.

Sau đó, Quân và các đăng kiểm viên thống nhất hằng tháng sẽ chia số tiền hối lộ nhận được theo tỷ lệ: Trần Anh Quân nhận 700.000 đồng/hồ sơ (bao gồm phần của Quân được hưởng, phần của Quân ngoại giao tiếp khách và phần để chia cho lãnh đạo Cục là Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà); các phó trưởng phòng VAR mỗi người 100.000 đồng/hồ sơ; nhân viên văn phòng mỗi người 50.000 đồng/hồ sơ. Số còn lại đăng kiểm viên được hưởng.

Từ đó, hằng tháng sau khi nhận được tiền hối lộ của các công ty thiết kế, đăng kiểm viên sẽ tính toán, kiểm đếm số lượng hồ sơ được phân công thẩm định nhân với số tiền đã quy ước/hồ sơ rồi phân chia và trực tiếp đưa tiền cho Quân cùng những người khác theo quy định.

Khi nhận được tiền từ các đăng kiểm viên, Quân trực tiếp đưa cho bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ tháng 1/2014 đến tháng 7/2021) 60 triệu đồng/tháng và Đặng Việt Hà (khi đó đang là Phó Cục trưởng Phụ trách Phòng VAR) 20 triệu đồng/tháng; một phần Quân sử dụng để ngoại giao, tiếp khách, phần còn lại thì hưởng lợi.

Từ tháng 8/2021, Trần Kỳ Hình nghỉ hưu và Đặng Việt Hà được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng (từ tháng 8/2021 đến tháng 9/2022).

Trong cuộc họp với lãnh đạo phòng VAR, Đặng Việt Hà đã yêu cầu phòng VAR hằng tháng phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ đã thẩm định thiết kế để bảo đảm lợi ích của Hà là cao nhất.

Quân và những người tham gia trong cuộc họp đều hiểu rằng khi nhận tiền trong quá trình thẩm định thiết kế thì phải chia cho Hà tỷ lệ cao nhất.

Sau cuộc họp trên, Trần Anh Quân gặp và hội ý với các bị cáo Nguyễn Đức Toàn, Đặng Trần Khanh, Trịnh Bình Dương về yêu cầu của Đặng Việt Hà và thống nhất mảng Thẩm định thiết kế do Quân phụ trách nên Quân đã triệu tập tất cả đăng kiểm viên để bàn bạc và cùng thống nhất cách thức chia tiền theo tỷ lệ: Đặng Việt Hà 400.000 đồng/hồ sơ, Trần Anh Quân 300.000 đồng/hồ sơ, các phó phòng VAR mỗi người 100.000 đồng/hồ sơ, đưa vào quỹ Ngoại giao 140.000 đồng/hồ sơ, các nhân viên văn phòng mỗi người 40.000 đồng/hồ sơ, số tiền còn lại đăng kiểm viên được hưởng.

Tất cả đăng kiểm viên đều thống nhất chủ trương, quy ước chia tiền nêu trên.

Đến tháng 10/2022, do Cơ quan Công an phát hiện xử lý sai phạm của hàng loạt đơn vị đăng kiểm nên các đối tượng trên không nhận tiền hối lộ trong hoạt động thẩm định hồ sơ thiết kế nữa.

Kết quả điều tra xác định bị cáo Trần Kỳ Hình từ tháng 3/2019 đến tháng 7/2021 được Trần Anh Quân chia số tiền nhận hối lộ là 1,68 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hình còn nhận tiền hối lộ liên quan đến việc thành lập trung tâm đăng kiểm và nhận tiền hối lộ từ các trung tâm với tổng số tiền gần 5,5 tỷ đồng.

Tổng số tiền Trần Kỳ Hình đã nhận là hơn 7,1 tỷ đồng.

ttxvn_1907_dang kiem (3).jpeg
Hội đồng Xét xử tại phiên tòa. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Tại Cơ quan điều tra, Trần Kỳ Hình thừa nhận hành vi phạm tội, biết rõ số tiền Quân đưa cho mình hằng tháng là từ việc nhận hối lộ của các cơ sở thiết kế.

Tuy nhiên, đối với số tiền nhận hối lộ từ các trung tâm đăng kiểm, Trần Kỳ Hình chỉ thừa nhận đã nhận gần 3,38 tỷ đồng và đã tự nguyện nộp lại 1,5 tỷ đồng cùng 12.000 USD.

Bị cáo Đặng Việt Hà từ tháng 3/2019 đến tháng 7/2021, khi giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam và phụ trách, quản lý hoạt động của phòng VAR được Trần Anh Quân chia cho số tiền là 320 triệu đồng.

Thời tháng 8/2021 đến tháng 9/2022, khi là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Hà đã nhận hối lộ tổng số tiền hơn 8,5 tỷ đồng; đã nộp 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Đặng Việt Hà khai nhận đã trả lại 5 tỷ đồng cho Trần Anh Quân, sau đó theo giới thiệu của Lại Thái Phong, Hà chỉ đạo Trần Anh Quân đổi 100.000 USD để Hà đưa cho Phong, rồi Phong đưa cho Nguyễn Văn Chung tìm hiểu thông tin liên quan đến kết quả điều tra của cơ quan Công an.

Khi biết Nguyễn Văn Chung đưa ra thông tin gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Đặng Việt Hà đã gửi đơn tố cáo Chung.

Cơ quan điều tra đã thu giữ được số tiền Đặng Việt Hà đưa cho Trần Anh Quân và Nguyễn Văn Chung, Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng thu giữ 97,3 triệu đồng và 800 USD trong quá trình khám xét./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục