Theo đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý, với khả năng dự trữ ngoại tệ hiện có cùng với các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô thì tỷ giá sẽ được giữ ổn định đến hết năm.
Bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, đại biểu Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có trao đổi với báo chí về việc điều hành tỷ giá và lãi suất của Ngân hàng nhà nước hiện nay.
[Dự trữ ngoại hối của Việt Nam thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế]
- Sau 5 tháng, ngân hàng nhà nước đã cho phép điều chỉnh hết biên độ tỷ giá, vậy theo ông việc điều chỉnh như vậy tác động thế nào đến doanh nghiệp và thời gian tới nếu dư địa không còn thì có sự linh hoạt nào trong điều hành tỷ giá không?
Đại biểu Phan Văn Quý: Trong diễn đàn kinh tế mùa xuân tổ chức tại thành phố Vinh (Nghệ An) mới đây, nhiều chuyên gia đã nhận định, sự chênh lệch giữa đồng tiền Việt và đồng USD vẫn chưa cao.
Nhưng điều đáng lo là hiện Cục dự trực liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất sẽ tác động đến tỷ giá, đặc biệt vào thời điểm cuối năm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần tiền để thanh toán và vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
Song tôi cho rằng Thống đốc đã hứa việc điều hành tỷ giá ở phạm vi 2% thì chắc chắn sẽ giữ được, vì từ thực tiễn các lần điều hành tỷ giá trước đây được thực hiện rất chắc chắn và lần này cũng như vậy, nếu không chắc chắn thì không thể nói trước được.
Còn với mức nhập siêu sau 5 tháng khoảng 3 tỷ USD theo tôi là chưa cao, trong khi dự trữ ngoại tệ của ta còn lớn, hiện nay đang ở mức cao nhất trong những năm gần đây. Trong giải pháp cuối cùng Ngân hàng nhà nước có thể bán USD để ổn định thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lòng tin của các nhà đầu tư. Việc đó còn lớn hơn nhiều.
Mới đây, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đã thông tin thêm về dự trữ ngoại tệ, tôi tin khoản dự trữ đó khiến chúng ta yên tâm rằng tỷ giá sẽ ổn định hết năm nay.
- Theo ông mặt bằng lãi suất hiện đang tăng lên có gây khó khăn cho doanh nghiệp hay không?
Đại biểu Phan Văn Quý: Lãi suất tăng lên một mặt nào đó là đáng mừng cho nền kinh tế, tín dụng được bung ra thị trường nhiều lên, vốn đọng trong hệ thống ngân hàng được bung ra thị trường nhiều lên, tự nhiên huy động tiết kiệm sẽ ít đi, dẫn đến lượng tiền dư thừa trong hệ thống ngân hàng ít đi, đó là điều đáng mừng.
- Nhưng giảm lãi suất cho vay đang là xu hướng mà doanh nghiệp và thị trường mong muốn?
Đại biểu Phan Văn Quý: Đúng là doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận với lãi suất thấp nhưng đó là cân đối của cả ngành ngân hàng. Mong muốn của doanh nghiệp bao giờ cũng muốn mua giá rẻ, vay được tín dụng thấp để đầu tư và có được lợi nhuận cao lên. Nhưng vấn đề này còn thuộc vào tổng thể của ngành ngân hàng.
Hiện lợi nhuận của ngành ngân hàng cũng chưa được như trước đây, đặc biệt một số ngân hàng chưa thoát được nợ xấu nhiều, cho nên với doanh nghiệp sản xuất thì khó một chút do lãi suất cao lên, nhưng ngành ngân hàng thuận lợi hơn một chút. Do vậy, đây là do chủ trương để cân đối vĩ mô.
- Nếu tăng lãi suất để thuận lợi hơn cho ngân hàng thì xem ra không hợp lý lắm bởi vì doanh nghiệp luôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, kể cả thời điểm ngân hàng khó khăn trong việc cho vay thì ngân hàng vẫn ở 'cửa trên'?
Đại biểu Phan Văn Quý: Ngân hàng đang còn nhiều khó khăn từ thời gian trước để lại như: nợ xấu cao, chi phí hoạt động cao. Trong khi đó, chỉ có một vài ngân hàng lớn là sống được một phần nguồn thu từ dịch vụ, còn lại sống bằng lãi suất của tín dụng.
Tôi cho rằng đây là điều tiết vĩ mô, bây giờ đầu tư kinh doanh đã tạm vượt qua giai đoạn khó khăn rồi, có thị trường, có đầu ra rồi, ngành ngân hàng cần phải làm thế nào để thoát khỏi cái khó, mà cái khó của ngành ngân hàng cũng là một phần cái khó của doanh nghiệp kéo vào, chẳng hạn như bất động sản, doanh nghiệp đầu tư sai hướng, dự án bị đắp chiếu thì ngân hàng lại bị khó. Cái khó của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đỡ hơn ngân hàng.
- Có nghĩa theo ông thì xu hướng tăng lãi suất lên là phù hợp trong điều kiện hiện nay?
Đại biểu Phan Văn Quý: Bản thân anh là doanh nghiệp sẽ không thấy vấn đề gì và đều mong muốn vay với lãi suất thấp hơn. Nhưng doanh nghiệp phải chia sẻ với ngân hàng để phát triển bền vững.
- Nhưng với doanh nghiệp vừa và nhỏ, lãi suất tăng lên thì khả năng của họ sẽ thế nào?
Đại biểu Phan Văn Quý: Ai cũng hiểu điều đấy, nước mình doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97- 98%, tuy nhiên, khó khăn chỉ đến với doanh nghiệp mới thành lập thôi, còn những doanh nghiệp thành lập lâu rồi thì đã có thị trường, khách hàng, cách thức kinh doanh rồi thì có nhích lên một ít cũng không ảnh hưởng gì lớn.
Vấn đề là doanh nghiệp mới thành lập, hoặc doanh nghiệp đang khó khăn, những anh này mong lãi suất càng thấp càng tốt, nhưng mà tôi lại nhắc lại đây là cân đổi của kinh tế vĩ mô, có nghĩa là xét trên bình diện chung. Nếu những doanh nghiệp vừa và nhỏ có đề án tốt thì có thể đề xuất vay vốn từ các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Xin cảm ơn ông./.