Đại biểu QH: Phong trào thi đua ở một số nơi còn nặng tính hình thức

Thực tiễn cho thấy phong trào thi đua một số nơi còn mang nặng tính hình thức, “phát” nhưng chưa “động,” thậm chí khen thưởng chưa chính xác, chưa kịp thời, làm hạn chế động lực phấn đấu.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thảo luận từ đầu cầu Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Ngày 28/10, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ở đầu cầu Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trả lời phỏng vấn của TTXVN về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Yên, Chuẩn đô đốc, Chính ủy Vùng 2 Hải quân khẳng định phong trào thi đua có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng; tạo động lực, động viên, lôi cuốn cá nhân, tập thể phát huy tinh thần năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Những năm qua, Luật Thi đua khen thưởng đã và đang đi vào cuộc sống, cơ bản phù hợp, sát với với thực tiễn quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, được các cấp, ngành tổ chức thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cổ vũ, động viên các tổ chức, cá nhân, tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, đối ngoại và tăng cường đoàn kết dân tộc.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy phong trào thi đua ở một số nơi còn mang nặng tính hình thức, “phát” nhưng chưa “động,” thậm chí khen thưởng chưa chính xác, chưa kịp thời, dẫn đến việc lan tỏa, nhân rộng điển hình tiên tiến tập thể, cá nhân hiệu quả chưa cao, làm hạn chế động lực phấn đấu, ảnh hưởng lớn đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các tập thể, cá nhân.

[Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Điện ảnh]

Hơn nữa, có phong trào thi đua chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức cũng như chất lượng, hiệu quả của phong trào thi đua.

Vì vậy, việc quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị, cơ sở trong tổ chức triển khai phong trào thi đua là cần thiết, bảo đảm cho sự lãnh đạo, tập trung, dân chủ, thống nhất, đồng thời phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai phong trào thi đua gắn với thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; phù hợp với Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

Đối với công tác khen thưởng, đại biểu Đỗ Văn Yên rất đồng tình và thống nhất với các quy định định sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng lần này. Việc sửa đổi, bổ sung một số tiêu chuẩn danh hiệu thi đua và đổi tên danh hiệu thi đua nêu trên nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, đến người lao động trực tiếp; khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định hiện hành.

Việc làm này cũng bổ sung những vấn đề mới phát sinh sát với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới, bảo đảm tính bao quát, phù hợp với vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền công tác khen thưởng trong hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất, xuyên suốt từ nguyên tắc, loại hình khen thưởng đến các quy định cụ thể tiêu chuẩn khen thưởng; nâng cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng, góp phần khích lệ, động viên phong trào, khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” như trước đây.

Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng việc bổ sung, đổi tên các danh hiệu thi đua lần này như “Xã tiêu biểu”; “Phường, thị trấn tiêu biểu”; “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu," “Gia đình tiêu biểu” cần phải làm rõ hơn về nội hàm, phạm vi “tiêu biểu," đặc biệt phải bảo đảm tính khả thi, tính ổn định lâu dài của Luật.

Riêng đối với các tiêu chuẩn xét lao động tiên tiến, cần thống nhất với quy định phân loại đánh giá công chức, viên chức nhà nước, quy định phân loại đánh giá của tổ chức đảng và đảng viên để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục