Đại biểu Quốc hội: Cần đảm bảo công tác PCCC ở các khu nhà trọ, chung cư mini

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, hiện các khu chung cư mini và các khu nhà trọ “mọc” lên rất nhiều nên nếu không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy thì cũng sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Rạng sáng nay, 24/5, vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) đã khiến 14 người tử vong, 3 người bị thương.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về sự việc đau lòng trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) không kìm nổi nước mắt và nhấn mạnh vụ cháy nghiêm trọng xảy ra sáng nay ở Hà Nội là kết cục hết sức đau buồn. Vụ việc một lần nữa là hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu nhà trọ, chung cư mini trên địa bàn các thành phố lớn.

Cái giá quá đắt

- Đầu tiên xin bà cho biết suy nghĩ của mình khi nghe tin về vụ cháy vừa xảy ra sáng nay ở trên địa bàn thành phố Hà Nội?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Đây là thông tin rất buồn đầu ngày. Chúng ta cũng đã nói rất nhiều đến các vụ cháy và nguy cơ xảy ra cháy ở các khu nhà trọ cho thuê, cũng như chung cư mini ở các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội.

Trên thực tế, ở Hà Nội đã xảy ra rất nhiều vụ cháy gây hậu quả vô cùng thương tâm. Những vụ việc này không những thiêu rụi tài sản của người dân mà còn khiến rất nhiều người dân, trong đó có cả các em nhỏ, sinh viên,… bị tử vong, bị thương.

Đây là kết cục rất đau buồn vì chúng ta cũng đã đề ra rất nhiều giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy có thể xảy ra, đặc biệt là các khu vực nhà dân.

- Như bà chia sẻ vụ cháy ở Hà Nội xảy ra sáng nay không phải là trường hợp lần đầu, mà nhiều vụ cháy thương tâm tương tự cũng đã xảy ra. Vậy bà đánh giá thế nào về sự quan tâm cũng như trách nhiệm ở chính quyền Hà Nội, nhất là các lực lượng chức năng trong việc quản lý nhà ở cũng như công tác phòng, cháy chữa cháy?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi thấy câu chuyện phòng cháy, chữa cháy chúng ta đã nói rất nhiều nhưng các vụ cháy vẫn xảy ra thường xuyên. Hầu như không năm nào không có các vụ cháy gây hậu quả thương tâm xảy ra.

Một điều tôi trăn trở là công tác tập huấn kỹ năng ứng phó, phòng cháy, chữa cháy nổ khi có sự cố cháy ra là rất cần thiết, nhưng trong thời gian qua dường như mới chỉ tập trung làm rốt ráo mỗi khi có một vụ cháy nổ xảy ra, sau đó lại bị “trôi” đi.

Thế nhưng, xử lý một cách triệt để các khu nhà trọ ở Hà Nội là việc làm rất khó khăn. Thực tế hiện nay cho thấy các khu chung cư mini và các khu nhà trọ “mọc” lên rất nhiều. Nếu xử lý theo hướng tất cả các khu nhà trọ và chung cư mini không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy thì cũng sẽ dẫn đến hệ lụy.

Đầu tiên là đối với các chủ đầu tư đang có phương tiện kinh doanh mang lại thu nhập sẽ phải dừng hoạt động và tác động xã hội sẽ vô cùng lớn, ảnh hưởng đến chính người đi thuê trọ. Hệ lụy rõ nhất tất cả những người lao động có thu nhập thấp đang sinh sống trong các khu nhà trọ, chung cư mini sẽ không có chỗ ở và họ sẽ đi đâu? Đây là bài toán khó và tôi tin con số người ở trọ tại Hà Nội hiện nay là rất lớn.

Tuy nhiên chúng ta cũng không thể buông lỏng quản lý.

- Vậy theo bà, giải pháp đặt ra trong bối cảnh hiện nay là gì?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Chúng ta đã có quy định về phòng cháy, chữa cháy. Trách nhiệm của từng cấp, từng ngày cũng đã có. Điều quan trọng hiện nay là cần phải rà soát tích cực và phải có phương án riêng đối với từng loại hình nhà ở.

Ví dụ đối với loại hình nhà cho thuê trọ, chật hẹp, nhiều phòng ở trong ngó sâu. Trường hợp này thường sẽ không thể mở đường và xe chữa cháy cũng không thể vào, nhưng Hà Nội có thể xử lý được theo hướng kiểm tra kết cấu hạ tầng, đảm bảo bố trí lối thoát để khi hỏa hoạn xảy ra thì người trong nhà có thể thoát ra ngoài được.

Thứ hai là công tác tập huấn hàng năm về kỹ năng ứng phó, phòng cháy, chữa cháy nổ khi có sự cố cháy xảy ra là rất quan trọng. Đặc biệt là ý thức của người dân. Do đó những người chủ nhà và người thuê nhà cần lưu ý đến hành vi của mình trong việc sử dụng điện hay kinh doanh các mặt hàng dễ cháy nổ ở trong khu dân cư...

Giải pháp nào để hạn chế cháy nổ?

- Tại khu vực Trung Kính (quận Cầu Giấy) này có khá đông sinh viên thuê trọ, trong khi đó, một số nơi ở trên địa bàn thành phố Hà Nội đang thừa các khu nhà ở tại khu Pháp Vân-Tứ Hiệp. Những khu nhà này không đưa vào sử dụng gây lãng phí. Vậy thời gian tới có nên chuyển đổi mục đích của các dự án chưa phát huy tác dụng vào mục đích khác như nhà ở xã hội cho thuê không, thưa bà?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Với nhà ở xã hội, khi tiến hành xây dựng còn liên quan tới nhiều điều kiện khác nhau. Đơn cử như ưu đãi khi làm nhà ở xã hội với các dự án khác thì hoàn toàn khác nhau, thậm chí trong Luật Nhà ở cũng quy định rất rõ về nhà ở xã hội. Đó là phải đáp ứng được tiêu chí về quy hoạch.

chay 2.PNG
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đến hiện trường. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chúng ta đã có rất nhiều dự án, kể cả dự án nhà ở xã hội lẫn nhà ở sinh viên, làng sinh viên, nhưng khi xây xong lại không có, hoặc không có nhiều người đến ở. Lý do bởi chưa đáp ứng được các tiêu chí khác (hạ tầng, dịch vụ đi kèm, chợ…), ngoài có nhà nên rất khó thu hút người vào ở.

Do đó, theo tôi trước khi tiến hành triển khai dự án nhà ở xã hội hay một dự án nhà ở nào đó thì cần phải khảo sát kỹ lưỡng tới nhiều yếu tố khác nhau.

Đặc biệt, chúng ta đã có kế hoạch từ rất lâu là di dời các các trường đại học ra khỏi khu vực nội đô Hà Nội nhưng đến nay vẫn chưa làm được nhiều. Chính điều này vẫn tạo sức ép rất lớn cho hạ tầng ở Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là khu vực nội đô. Nơi có đông các trường đại học tập trung thì chắc chắn sẽ có đông sinh viên theo học và một phần lớn trong số đó là sinh viên ngoại tỉnh thuê trọ ở xung quanh trường.

Nếu chúng ta rốt ráo làm tốt công tác di dời các trường đại học ra khỏi khu vực nội đô Hà Nội, tôi tin rằng sẽ giảm được một phần lớn áp lực lên các khu nhà trọ.

- Đối với loại hình nhà ở xã hội, theo bà cần có quy định thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận hơn?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Theo tôi, đây là một giải pháp khác cần quan tâm liên quan đến các luật được Quốc hội thông qua gần đây về phát triển nhà ở.

Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến phân khúc nhà ở xã hội cho thuê, bởi theo kết quả giám sát, khảo sát hiện nay thì dù doanh nghiệp, người dân đã được hưởng rất nhiều ưu đãi nhưng giá thành của nhà ở xã hội vẫn khá cao so với thu nhập của những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở các đô thị lớn.

Tôi lấy ví dụ như Hải Dương, giá nhà ở xã hội dao động từ khoảng 11-14 triệu đồng/m2. Như vậy với căn hộ dạng chung cư với diện tích 50m2 thì người lao động phải bỏ ra số tiền rất lớn để sở hữu, điều này vượt khả năng chi trả của nhiều người.

Vì vậy, hầu hết người lao động có thu nhập thấp bày tỏ nguyện vọng được sở hữu một căn nhà ở xã hội không phải dưới dạng mua, mua trả góp, mà trả tiền thuê hàng tháng. Do vậy theo tôi, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn tới phân khúc này để người lao động có thu nhập thấp có thể tiếp cận được dễ dàng hơn.

Khi nhà ở xã hội hình thành thì sẽ đáp ứng được các tiêu chí về kết cấu, diện tích lẫn điều kiện phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo bảo an toàn hơn. Đây là một trong những giải pháp cần đặc biệt lưu ý, quan tâm trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn bà!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Một chiếc tàu chở tàu không rõ nguồn gốc tại thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: TTXVN phát)

Phát hiện 2 tàu chở dầu DO không rõ nguồn gốc

Tàu cá TG 92267 TS trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu có hành vi chở dầu DO không rõ nguồn gốc; một chiếc tàu khác do ông Nguyễn Thanh làm thuyền trưởng cũng bị bắt giữ ở khu vực biển Khánh Hòa.