Đại biểu Quốc hội chia sẻ nỗi lo sau vụ 39 người chết ở Anh

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, tình trạng buôn bán người đội lốt lao động ngoài luồng đã có từ lâu, nhưng qua vụ việc 39 người bị chết xảy ra ở Anh mới rộ lên chuyện "mất bò mới lo làm chuồng."
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chia sẻ với báo chí về vụ 39 người lao động bị chết ở Anh. (Ảnh: M.M/Vietnam+)

Dù chưa có thông tin chính thức về nạn nhân người Việt trong vụ 39 người chết trong container tại Anh, nhưng trước việc ngày càng nhiều gia đình báo tìm con mất tích với nhiều thông tin trùng khớp, các cơ quan chức năng Việt Nam đang khẩn trương phối hợp trao đổi thông tin với phía bạn để xác minh nhân thân các nạn nhân.

Bên lề hành lang Quốc hội ngày 31/10, chia sẻ về vụ việc đáng tiếc nêu trên, nhà sử học Dương Trung Quốc (Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho rằng đây là vụ việc rất phức tạp vì “tổ chức buôn người” tuyển lao động theo con đường trái phép.

Theo ông, tình trạng đi xuất khẩu lao động ngoài luồng (trái phép) đã xảy ra từ lâu, thậm chí có những vùng, việc người dân đi lao động ngoài luồng đã quá phổ biến.

"Mặc dù xu hướng là phát triển hội nhập nhưng đi nước ngoài để làm gì, nghề nghiệp nào, người lao động vẫn chưa nắm được thông tin đầy đủ. Vì thế, hiện nay nhiều người lao động vẫn lựa chọn đi ra nước ngoài theo con đường giá rẻ," ông Quốc nhấn mạnh.

[Thảm kịch nhập cư trái phép và sự vô cảm của những kẻ buôn người]

Trước câu hỏi có nên coi đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài là một lợi thế hay không? Vị đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai khẳng định người lao động có thể làm ở trong nước chứ không nhất thiết phải chọn đi ra nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp.

“Đây là vấn đề liên quan tới niềm tin. Cũng như câu chuyện đi ra nước ngoài chữa bệnh, trong khi người nước ngoài lại tìm tới Việt Nam,” ông Quốc băn khoăn.

Cũng theo đại biểu Dương Trung Quốc, việc người lao động đi ra nước ngoài bằng con đường ngoài luồng, bất hợp pháp, có thể do hoàn cảnh hay khát vọng “đổi đời”.

Qua thực trạng nêu trên, đại biểu Dương Trung Quốc kiến nghị cơ quan chức năng cần làm tốt khâu quản lý, giám sát việc người dân đi xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện phát triển việc làm ở ngay trong nước để giữ niềm tin cho người lao động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục