Đại biểu Quốc hội: Nâng độ tuổi trẻ em để bảo vệ và chăm sóc tốt hơn

Theo đại biểu Ngô Thị Minh, việc nâng độ tuổi trẻ em thành dưới 18 tuổi thay vì 16 tuổi như trước đây sẽ giúp bảo vệ trẻ em tốt hơn vì trẻ em dưới 18 tuổi vẫn chưa trưởng thành.
Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Sau 10 năm đi vào cuộc sống, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó ​những vấn đề liên quan đến ngược đãi, bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em... vẫn chưa có chế tài phù hợp.

Trên diễn đàn Quốc hội, dự án luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) cũng được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến, nhất là quy định việc nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên dưới 18 tuổi để làm sao có thể bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn.

Bên hành lang Quốc hội sáng nay (23/11), Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có trao đổi với VietnamPlus xung quanh vấn đề trên.

- Thưa bà, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) lần này có những điểm mới gì?

Đại biểu Ngô Thị Minh: Dự thảo luật lần này tiếp cận hoàn toàn trên gốc độ mới đó chính là quyền trẻ em dựa theo công ước về quyền trẻ em và đặc biệt là Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã có nhiều quy định về quyền con người, quyền công dân tại điều 37 của Hiến pháp.

Khi tiếp cận trên góc độ mới thì quyền trẻ em rất được tôn trọng và nhiều điểm mới được đặt ra. Điểm đầu tiên là tuổi trẻ em, trước đây luật quy định dưới 16 tuổi, nhưng Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước quốc tế về quyền trẻ em, trong khi công ước quốc tế quy định trẻ em là dưới 18 tuổi.

Chính vì vậy đa số đại biểu quốc hội ủng hộ việc nâng độ tuổi trẻ em thành dưới 18 tuổi thay vì 16 tuổi như trước đây, điều này sẽ giúp bảo vệ trẻ em tốt hơn.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi sẽ giúp cơ chế điều phối liên ngành cũng được thực hiện tốt hơn. Trên thực tế, trẻ em là đối tượng mà lĩnh vực nào cũng cần có sự quan tâm sâu, chính vì vậy cần phải có cơ chế phối hợp.

Cơ chế này trước kia đã nằm trong Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em, nhưng khi Ủy ban này giải thể thì cơ chế này đang có trục trặc và chưa có sự đầu tư một cách thỏa đáng.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng nên đưa trẻ em và gia đình về một đầu mối chứ không thể để hai bộ quản lý như hiện nay và cơ chế này sẽ được nêu trong dự thảo luật để có thể triển khai một cách hợp lý.

Một góc độ nữa, theo tôi việc giám sát thực hiện quyền trẻ em ngoài chức trách của các cơ quan dân cử, các bộ chuyên ngành thì vấn đề giám sát thực hiện quyền trẻ em phải từ góc độ trẻ em, tức là phải có cơ quan đại diện quyền tiếng nói trẻ em.

Hiện trong luật đang giao cho Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh nhưng nhiều đại biểu cho rằng, với trẻ em từ 0-5 tuổi từ xưa đến giờ Trung ương Đoàn vẫn chưa có đại diện.

Chính vì vậy, luật phải giao để cho cơ quan này có đại diện, để Trung ương đoàn được quyền đi giám sát những vụ việc vi phạm quyền trẻ em, chứ họ không làm thay cơ quan dân cử hoặc cơ quan thanh tra của Chính phủ mà họ đứng ở góc độ trẻ em xem cơ quan chức năng có giám sát khách quan tiếng nói của trẻ em hay không?

- Tuy nhiên, Trung ương Đoàn lại cho rằng cần xem xét lại việc nâng độ tuổi của trẻ em như vậy, điều này có thể mâu thuẫn với nhiều luật khác?

Đại biểu Ngô Thị Minh: Hiện dự thảo luật quy định trẻ em dưới 18 nhưng không phải tất cả các lĩnh vực khác cũng đều phải áp dụng quy định dưới 18 tuổi.

Đơn cử trong lĩnh vực lao động, những quy định trong Bộ luật Lao động thì chúng ta đều phải làm và vận dụng bình thường. Hoặc tuổi chịu trách nhiệm hình sự, trong công ước đã quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự không được dưới 12 tuổi thì Việt Nam đang quy định độ tuổi là 14 điều này cũng không ảnh hưởng gì đến luật chung.

Bên cạnh đó, chính sách về y tế thì mặc dù đất nước ta kinh tế còn có hạn nhưng chúng ta vẫn đảm bảo cho trẻ em dưới 6 tuổi và khi nào có điều kiện thì luật sẽ xem xét để nâng lên tiếp.

Từ những dẫn chứng đó cho thấy, không phải quy định trẻ em dưới 18 tuổi mà tất cả các chế độ chính sách như nhau và không phải các lĩnh vực khác chúng ta đều đánh đồng mà có thể thấy việc quy định như hiện nay sẽ có rất nhiều lợi thế cho trẻ em.

Tôi có thể phân tích thêm, trước đây trẻ em bị xâm hại tình dục thì luật trước đây quy định trẻ em là dưới 16 tuổi. Với quy định như vậy thì những đối tượng trẻ em bị xâm hại tình dục trong độ tuổi từ 16-17 tuổi vẫn chưa bị coi là giao cấu với trẻ em và như vậy việc bảo vệ cho trẻ em trong trường hợp đó sẽ thiệt thòi hơn.

Vấn đề nữa liên quan đến nguồn nhân lực thì cán bộ bảo vệ chăm sóc trẻ em chuyên trách ở các địa phương trước đây khi chưa giải thể Ủy ban dân số và gia đình thì một cán bộ sẽ làm 3 nhiệm vụ: Dân số, gia đình và trẻ em.

Nhưng bây giờ luật sẽ chia 3 lĩnh vực này về 3 bộ khác nhau thì không thể chặt 1 con người làm 3 khúc được thì số cán bộ này không làm nhiệm vụ chăm sóc trẻ em nữa mà họ được giao nhiệm vụ trẻ em cho cán bộ làm công tác thương binh xã hội, trong khi cán bộ làm công tác thương binh xã hội cũng đang rất nặng nề giờ lại khoác thêm nhiệm vụ chăm sóc trẻ em thì công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Tới đây, Ủy ban cũng đề nghị Quốc hội có cơ chế phù hợp để quan tâm, ưu tiên cho các cán bộ làm công tác này cho phù hợp đối với cán bộ làm công tác chăm sóc trẻ em ở xã, phường, thôn, bản.

Trước đây, chúng ta cũng có 162.000 cộng tác viên làm lĩnh vực này ở thôn bản, thì khi giải thể đi chúng ta cũng khôi phục mãi cũng không được, do vậy theo tôi đội ngũ cộng tác viên này chính là cánh tay nối dài từ xã phường đến các hộ gia đình phải có các cộng tác viên chuyên sâu, được bồi dưỡng bài bản và là điều mà chúng tôi rất trăn trở.

- Dự thảo luật lần này có những quy định thế nào về vai trò của gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thưa bà?

Đại biểu Ngô Thị Minh: Việc tách gia đình và trẻ em về hai Bộ khác nhau theo quan điểm của nhiều đại biểu là không nên và ý kiến chung là cần phải thấy được tầm quan trọng của gia đình. Do vậy, trong luật này cần có quy định sâu hơn về vai trò của gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục cũng như nâng cao kỹ năng để bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em tốt hơn.

Nếu cứ nói bổn phận trẻ em nhưng trên thực tế gia đình cần phải giúp cho trẻ em làm bổn phận đó của mình, vì trẻ em dưới 18 tuổi vẫn chưa trưởng thành nên vai trò của gia đình trong việc phối hợp với nhà trường, xã hội cần quy định sâu hơn.

- Xin cảm ơn bà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục