Tờ Minh báo có quan điểm trung lập của Hong Kong cho rằng trong bối cảnh số người nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) tại Nga vượt Trung Quốc và Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin được xác định mắc COVID-19, giới phân tích tại Bắc Kinh nhận định rằng trước tác động của đại dịch này, từng cặp quan hệ song phương giữa ba nước Trung Quốc, Mỹ và Nga đang có những thay đổi tinh tế.
Mới đây, Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow đã đề nghị chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump khuyến khích giới doanh nghiệp Mỹ quay về nước đầu tư, khiến dư luận cho rằng sẽ xuất hiện một làn sóng mới rút vốn khỏi Trung Quốc.
Thêm vào đó, các quan chức cấp cao khác của Mỹ như Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro liên tiếp phê phán Trung Quốc vì đã gây ra đại dịch COVID-19, khiến quan hệ Trung-Mỹ ngày càng căng thẳng.
Tuy nhiên, chuyên gia Cao Lăng Vân của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng do giá nhân công tại Trung Quốc không ngừng tăng cao, những năm gần đây, một số doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực tập trung nhiều lao động đã rút khỏi Trung Quốc.
[Đại dịch COVID-19 - phép thử đối với chủ nghĩa đa phương]
Thế nhưng, phần lớn các doanh nghiệp này chuyển sang đầu tư tại các nước Đông Nam Á và Trung Đông Âu, chứ không rút về Mỹ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ cao của các nước như Mỹ, Nhật và Đức lại tăng cường hiện diện ở Trung Quốc. Vì thế, sẽ không xảy ra làn sóng vốn nước ngoài rút khỏi Trung Quốc như một số chuyên gia đã nhận định.
Về quan hệ Trung-Nga, công trình đường ống dẫn khí phía Đông giữa Trung Quốc và Nga đang được đẩy nhanh tiến độ, đồng thời dự án đơn lẻ lớn nhất do doanh nghiệp Trung Quốc thầu là cung cấp thiết bị khoan giếng thuộc dự án Nhà máy xử lý khí thiên nhiên Amur của Nga mới đây đã bốc xếp xong và vận chuyển sang Nga.
Trong bối cảnh hầu hết các dự án hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu rơi vào tình trạng ngừng hoạt động, Trung Quốc đã đẩy mạnh các dự án hợp tác Trung-Nga, điều này cho thấy sự coi trọng của Trung Quốc đối với hợp tác Trung-Nga cũng như vị thế của Nga trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Số liệu thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy trong quý 1/2020, kim ngạch thương mại Trung-Nga tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019, đủ để cho thấy xu thế cơ bản và tốt đẹp lâu dài trong hợp tác kinh tế, thương mại Trung-Nga không thay đổi, viễn cảnh hợp tác giữa hai nước đang rất rộng mở.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của trường Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải (Trung Quốc) Phùng Ngọc Quân nhận định trong lúc các nước lớn khác chịu tổn thất nặng nề bởi dịch COVID-19, giới phân tích chiến lược của Nga cho rằng Moskva đang có được cơ hội chiến lược lớn nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014 và thậm chí là từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay.
Điều đáng chú ý là dịp kỷ niệm tròn 75 năm quân đội Nga và Mỹ hội quân trên sông Elbe tại Đức (25/4/1945) trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra tuyên bố chung, bày tỏ “Tinh thần Elbe” là điển hình của Nga-Mỹ xóa bỏ bất đồng, triển khai hợp tác.
Hành động này được coi là tín hiệu quan trọng của quan hệ Nga-Mỹ chuyển sang phương hướng tốt đẹp hơn.
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng trong thời kỳ đặc biệt, việc Nga và Mỹ cùng thể hiện thái độ hữu hảo với nhau đã phản ánh bất đồng trong quan hệ Nga-Mỹ do các vấn đề Crimea, Syria, dầu mỏ... gây ra đã chạm đáy và bắt đầu đi lên.
Tất nhiên, quan hệ Nga-Mỹ cải thiện không đồng nghĩa với lập trường của hai nước này đối với Trung Quốc sẽ có sự điều chỉnh, song điều có thể khẳng định là trong thời kỳ hậu dịch COVID-19, sự thay đổi của quan hệ ba nước Trung-Mỹ-Nga sẽ có ảnh hưởng lớn hơn đối với tình hình chính trị và kinh tế quốc tế.
Năm 2021 là tròn 20 năm Trung Quốc và Nga ký Hiệp ước hợp tác láng giềng hữu hảo Trung-Nga.
Mới đây, giới tinh anh Trung Quốc và Nga đã tổ chức cuộc hội thảo trực tuyến, trong đó bày tỏ hai nước Trung-Nga cần căn cứ vào tình hình mới để điều chỉnh nội dung của các điều khoản liên quan trong hiệp ước, đảm bảo cho hai nước đối phó hiệu quả với mối đe dọa và thách thức từ bên ngoài, bảo vệ lợi ích lâu dài của mỗi nước.
Trước đó, chỉ trong vòng một tháng, nguyên thủ hai nước đã 2 lần điện đàm để trao đổi về tình hình dịch COVID-19, đủ để cho thấy đặc điểm nổi bật của quan hệ Trung-Nga là có nền tảng vững và sự tin cậy chiến lược cao độ.
Nhiều người tin rằng quan hệ Trung-Nga sẽ phát huy vai trò hình mẫu trong xử lý từng cặp quan hệ song phương giữa ba nước Trung Quốc, Mỹ và Nga./.