Trang mạng scmp.com đưa tin theo nhà bình luận Irvin Studin của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, cho dù hy vọng thế nào đi chăng nữa, chắc chắn ba cường quốc thế giới là Mỹ, Nga và Trung Quốc sẽ không thể hợp tác cùng nhau sau cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (COVID-19).
Đây là biểu hiện của sự hoài nghi sâu sắc lẫn nhau và khác biệt về ý thức hệ giữa các nhà lãnh đạo của Washington, Bắc Kinh và Moskva.
[EU hối thúc Mỹ-Trung-Nga ngăn chặn xung đột và hỗn loạn thương mại]
Có thể các nhà lãnh đạo của Anh, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ hay Nhật Bản sẽ "nhảy" vào để cứu giúp thế giới, nhưng đó chỉ là một phần cứu trợ rất nhỏ trong tổng thể, nếu xét tới khoảng cách lớn về quy mô và năng lực giữa các cường quốc hạng hai và “3 ông lớn.”
Như vậy, các kịch bản tồi tệ nhất sẽ là gì nếu đến cuối năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin - hay những người kế nhiệm họ - không thể trở nên “tâm đầu ý hợp”?
Câu trả lời ở đây là có 3 kịch bản, tất cả đều rất tồi tệ và khủng khiếp như nhau.
Hậu quả có thể xảy ra nhất và trong tương lai gần nhất của mối bất hòa 3 bên này sẽ là cuộc tranh giành ngày càng gia tăng về quyền điều tiết giữa một bên là không gian thương mại do Mỹ lãnh đạo và một bên là không gian thương mại do Trung Quốc lãnh đạo, trong bối cảnh Nga - đến nay là "người chơi" yếu nhất - đang ngả về các không gian của Trung Quốc và đang tìm cách áp đặt quyền kiểm soát lập quy tại ít nhất 12 trong số 15 quốc gia thuộc Liên Xô trước đây.
Quyền điều tiết tại một vùng lãnh thổ nhất định sẽ tương tự như một chiến thắng về quân sự - giành được, kiểm soát được hay thôn tính vùng lãnh thổ trong cuộc chiến tranh thông thường.
Ai sẽ là người đặt ra các luật lệ kinh tế cho Trung Đông và phần lớn khu vực châu Phi? Liệu không gian tại châu Âu có tan rã dưới sức ép hay không? Ai sẽ giành phần thưởng lớn nhất: quyền điều tiết thị trường Đông Nam Á với 600 triệu dân?
Kết quả dễ xảy ra nhất sẽ là sự pha trộn các cơ chế lập quy, khiến các quốc gia, công ty và người dân khó có thể định hướng và đàm phán xuyên biên giới. Đây không phải là một công thức tốt cho tăng trưởng toàn cầu.
Kịch bản thứ hai, có thể trong trung hạn, đó là một (hoặc nhiều hơn) trong số các nước lớn đó sẽ gặp bất ổn nghiêm trọng trên mặt trận đối nội.
Nga là “ứng cử viên hàng đầu” cho vị trí đó, không phải chỉ bởi sự thiếu vắng các sắp xếp kế nhiệm rõ ràng tại Moskva, mà còn do sự sụt giảm giá dầu và nguồn thu, và sức ép ngày một gia tăng đối với nguồn lực tài chính của nước này để tiếp sinh lực cho nền kinh tế vốn rất “xanh xao” với vùng lãnh thổ mênh mông và dân số lớn.
Sự bất ổn sâu sắc của Nga sẽ gây ảnh hưởng tới châu Âu, Trung Đông và toàn bộ châu Á.
Mỹ là “ứng cử viên” thứ hai cho vị trí bất ổn đó. Liệu Mỹ có sụp đổ trong vòng 1-2 năm tới? Mặc dù điều này khó có thể xảy ra, nhưng sự cực đoan hóa ngày một gia tăng giữa hai đảng phái chính trị, và giữa các bang theo phe Dân chủ và phe Cộng hòa, có thể dễ dàng dẫn tới gia tăng bạo lực chính trị, hoạt động của lực lượng dân quân và dần tước quyền hợp pháp của chính quyền trung ương.
Các thể chế công, cùng chủ nghĩa cực đoan về ý thức hệ sẽ dễ dàng lan ra các nước láng giềng như Canada, Mexico và vùng Caribe.
Đến nay, Trung Quốc khó có thể rơi vào con đường bất ổn nội bộ hơn, nhưng sức ép với Bắc Kinh từ tình trạng bất ổn nội bộ tại các nước láng giềng như Triều Tiên sẽ là rất khủng khiếp.
Điều này dẫn chúng ta tới kịch bản thảm họa thứ 3: là chiến tranh - cho dù mang tính trực tiếp hay gián tiếp, chủ tâm hay vô tình, theo cách truyền thống hay phi truyền thống.
Đây là kịch bản khó có thể xảy ra nhất trong tương lai, nhưng rõ ràng nó gây tác động thảm khốc nhất.
Khó có thể Mỹ, Trung Quốc hay Nga sẽ chủ tâm đối đầu nhau, nhưng khả năng này cũng nên bị bác bỏ trong trường hợp xuất hiện một mối đe dọa chính trị đố với bất kỳ ai trong số các nhà lãnh đạo đó.
Tình huống chiến tranh vô tình xảy ra có khả năng dễ xảy ra hơn, có thể do sự phán đoán sai lầm về một cuộc tấn công, hay do sự tính toán sai lầm về bản chất các cuộc xung đột và căng thẳng tại Đông Âu, Trung Đông hay Biển Đông. Cuộc chiến ủy nhiệm có khả năng xảy ra hơn cuộc chiến trực tiếp.
Cuộc chiến trực tiếp sẽ là cuộc đối đầu mang tính toàn thể, gây thiệt hại gần như tới tất cả các bên. Đó là những lý do khiến các nước lớn cần ngồi lại cùng nhau ngay lập tức, một cách đều đặn và cân nhắc kỹ lưỡng mục tiêu của mình./.