Ba nước Liên minh châu Âu (EU) gồm Anh, Pháp, Đức ngày 14/1 đã kích hoạt một cơ chế tranh cãi với Iran về việc Tehran không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.
Iran đã cảnh báo các nước châu Âu về hậu quả của động thái này trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng.
Nga cũng đã lên tiếng chỉ trích động thái trên của các nước châu Âu.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày 14/1 nêu rõ Moskva "không thấy có bất kỳ lý do nào" để kích hoạt cơ chế trên.
[EU kích hoạt giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân Iran]
Tuyên bố cũng nhấn mạnh Nga "không loại trừ khả năng những hành động thiếu suy nghĩ của châu Âu có thể dẫn tới bước leo thang mới xung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran."
Trong khi đó, Mỹ cùng ngày tuyên bố ủng hộ hoàn toàn ủng hộ Anh, Pháp và Đức, cho rằng động thái của các nước châu Âu này "đảm bảo gây sức ép hơn nữa về ngoại giao và kinh tế đối với Iran."
Thỏa thuận hạt nhân Iran, tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), có điều khoản cho phép một bên tuyên bố trước một ủy ban chung rằng một bên khác vi phạm thỏa thuận một cách nghiêm trọng.
Nếu không giải quyết được ở cấp ủy ban chung, tranh cãi sẽ tiếp tục được đưa ra một ban cố vấn trước khi cuối cùng được chuyển tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận này từ tháng 5/2018.
Trong thông báo chung ngay 14/1, Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp và Đức cho rằng Iran đã không ngừng điều chỉnh các cam kết của Tehran trong thỏa thuận và vi phạm các giới hạn quan trọng trong chương trình hạt nhân kể từ tháng 5/2019. Theo đó, các nước châu Âu này kích hoạt quy trình tranh cãi với Iran về vấn đề này.
Tuy nhiên, 3 nước này khẳng định vẫn tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận và phối hợp với tất cả các bên còn lại để bảo vệ thỏa thuận.
Phản ứng sau đó, Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ động thái của các nước châu Âu là "tiêu cực," đồng thời cảnh báo châu Âu cần chuẩn bị chấp nhận hậu quả nếu muốn lạm dụng quy trình nói trên. Tuy nhiên, Iran cũng khẳng định sẵn sàng xem xét mọi nỗ lực mang tính xây dựng để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân.
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Iran sau vụ Mỹ không kích sân bay quốc tế Baghdad của Iraq làm thiệt mạng Tướng Qasem Soleimani của Iran, sau đó Tehran thừa nhận đã bắn nhầm một máy bay chở khách của Ukraine khiến 176 người thiệt mạng./.