Đại dịch COVID-19 'nhốt' hàng triệu người di cư ở nước ngoài

Trong báo cáo được công bố ngày 9/10, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc cảnh báo việc các nước đóng cửa biên giới và cấm đi lại đã khiến một lượng lớn người di cư bị mắc kẹt.
Đại dịch COVID-19 'nhốt' hàng triệu người di cư ở nước ngoài ảnh 1Người di cư trên Địa Trung Hải. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hơn 2,7 triệu người di cư muốn về nước vẫn đang bị mắc kẹt ở nước ngoài do các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới được các nước trên thế giới áp đặt nhằm khống chế đà lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong báo cáo được công bố ngày 9/10, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc cảnh báo việc các nước đóng cửa biên giới và cấm đi lại đã khiến một lượng lớn người di cư bị mắc kẹt.

IOM đã thống kê được con số 2,75 triệu người dựa trên các nguồn thống kê chính thức về các trường hợp người di cư bị mắc kẹt tại nước ngoài cần được hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nơi ở và hồi hương, tính tới ngày 13/7.

[Yêu cầu xin tị nạn vào châu Âu giảm mạnh do đại dịch COVID-19]

Những người này gồm người lao động thời vụ, người tạm trú, du học sinh, người ra nước ngoài để chữa bệnh và các thuyền viên.

Theo IOM, Trung Đông và Bắc Phi là hai khu vực ghi nhận nhiều người di cư mắc kẹt nhất, với 1,275 triệu người, tiếp đến là châu Á với 977.000 người (riêng tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất là 648.000 người).

Có khoảng 203.000 người di cư mắc kẹt tại Khu vực Kinh tế châu Âu và Thụy Sĩ, và 111.000 người tại Bắc và Trung Mỹ cùng vùng Caribe.

Ngoài ra, có khoảng 400.000 thuyền viên đang bị mắc kẹt trên biển, một số người thậm chí phải lưu lại trên những con tàu lên tới 17 tháng, lâu hơn 6 tháng so với mức tối đa cho phép.

IOM cho biết đã tiếp nhận các yêu cầu hỗ trợ gần 115.000 người di cư mắc kẹt có thể trở về nhà an toàn và tự nguyện.

Trong những tháng gần đây, tổ chức này đã có thể hỗ trợ hơn 15.000 người trong số những người dễ bị tổn thương nhất.

Với nhiều người di cư, các chính sách và biện pháp chống dịch COVID-19, từ các hạn chế đi lại, yêu cầu về sức khỏe cho tới việc đóng cửa biên giới hoàn toàn và lệnh phong tỏa toàn quốc hoặc cục bộ.... đã tạo ra những thách thức mới.

IOM cảnh báo một khi bị mắc kẹt, một số người di cư phải đối mặt nguy cơ cao bị lạm dụng, bóc lột và bị bỏ rơi.

Việc mất đi sinh kế càng khiến họ dễ bị tổn thương và có nguy cơ bị các tổ chức tội phạm, những kẻ buôn người và những kẻ xấu khác lợi dụng.

Trong khi đó, những người di cư thường bị loại khỏi các kế hoạch quốc gia về ứng phó và phục hồi sau dịch COVID-19.

Do đó, IOM nhấn mạnh các nước cần khẩn trương đẩy mạnh hợp tác để tạo điều kiện hỗ trợ người di cư được trở về nước an toàn bất chấp những hạn chế do dịch COVID-19.

Trong tuyên bố của mình, Giám đốc IOM Antonio Vitorino đã kêu gọi các quốc gia hành động nhiều hơn nữa để hỗ trợ gần 2,75 triệu người vẫn đang bị mắc kẹt.

Theo ông, phạm vi và việc thực thi các biện pháp hạn chế đi lại, bao gồm các việc đóng cửa và phong tỏa toàn quốc liên quan tới COVID-19, đòi hỏi các nước phải liên lạc chặt chẽ với các nước láng giềng cũng như quê hương của những người di cư để có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của họ.

Ông nhấn mạnh: "Người di cư có thể trở về nhà một cách an toàn và đường hoàng bất chấp những hạn chế do COVID-19 gây ra"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.