Đại dương trên Sao Hỏa từng có diện tích lớn hơn Bắc Băng Dương

Các nhà khoa học NASA cho rằng Hành tinh Đỏ từng được bao phủ bởi một lớp nước sâu tới 137m, chiếm gần như toàn bộ một nửa bán cầu Bắc của sao Hỏa.
Đại dương trên Sao Hỏa từng có diện tích lớn hơn Bắc Băng Dương ảnh 1Các lớp trầm tích tại khu vực Gale Crater, nơi từng là hồ nước trên bề mặt Sao Hỏa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo một nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) công bố hôm 5/3, trên Sao Hỏa đã từng tồn tại lượng nước nhiều hơn cả Bắc Băng Dương và đủ để bao phủ toàn bộ bề mặt của hành tinh này.

Các nhà khoa học NASA cho rằng Hành tinh Đỏ từng được bao phủ bởi một lớp nước sâu tới 137m, chiếm gần như toàn bộ một nửa bán cầu Bắc của Sao Hỏa.

Tại một số khu vực, lớp nước này có độ sâu hơn 1,6km. Tuy nhiên, phần lớn lượng nước trên sao Hỏa, lên tới 87%, đã bị bay hơi vào bầu khí quyển.

 

Ông Geronimo Villanueva, trưởng nhóm nghiên cứu của NASA, cho biết: "Nghiên cứu này đưa ra ước tính chắc chắn về lượng nước từng có trên Sao Hỏa. Qua đó, các nhà khoa học có cái nhìn rõ hơn về lịch sử nguồn nước trên hành tinh này."

Giới chuyên gia cho rằng điều này chứng tỏ Sao Hỏa đã từng rất ẩm ướt trong một khoảng thời gian dài hơn con người biết trước đó, và rằng hành tinh này có lẽ đã từng đủ điều kiện cho sự sống phát triển trong khoảng thời gian dài hơn.

Các nhà khoa học NASA cũng đặc biệt lưu ý về các khu vực gần cực Bắc và cực Nam, bởi vì lớp băng tại hai cực được coi là đập chứa nước lớn nhất trên hành tinh này.

Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Science đã cung cấp ước tính về lượng nước từng có trên Hành tinh Đỏ, dựa trên các quan sát chi tiết về 2 hình thái nước hơi khác biệt trong bầu khí quyển của Sao Hỏa.

Hình thái đầu tiên tương tự H2O, được cấu thành từ 2 phân tử hydro và một phân tử oxy. Hình thái còn lại là HDO, một biến thể tự nhiên trong đó một phân tử hydro được thay thế bằng một phân tử có khối lượng nặng hơn, được gọi là deuterium.

Bằng cách so sánh tỷ lệ HDO với H2O, các nhà khoa học có thể tính toán lượng nước từng có trên Sao Hỏa và xác định lượng nước đã bay hơi vào bầu khí quyển.

Các nhà khoa học của NASA đã sử dụng kính viễn vọng Keck II có đường kính dài tới 10m tại Đài thiên văn Keck và kính viễn vọng cực lớn của Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ châu Âu tại bán cầu Nam (ESO) đặt tại Chile để tính toán lượng nước trên Sao Hỏa và xem xét tính chất hóa học khác biệt của 2 loại nước trên hành tinh này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.