Đại giáo trưởng Libya ra lệnh các nghị sỹ đối địch ngừng đối thoại

Đại giáo trưởng Sadik Sheikh al-Ghariani đã ra lệnh ngừng các vòng đối thoại giữa các nghị sỹ cho tới khi Tòa án Tối cao ra phán quyết về tính hợp pháp của Quốc hội mới.
Đại giáo trưởng Sadik Sheikh al-Ghariani. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 30/9, Đại giáo trưởng Sadik Sheikh al-Ghariani đã ra lệnh ngừng các vòng đối thoại giữa các nghị sỹ cho tới khi Tòa án Tối cao ra phán quyết về tính hợp pháp của Quốc hội mới.

Theo ông Ghariani, người có thẩm quyền xét xử cao nhất tại Libya, cuộc gặp giữa các nghị sỹ đối địch được tổ chức hôm 29/9 vừa qua dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc "không phải là đối thoại thực sự."

Ông nhấn mạnh đây là "sự phản bội đối với những người tử vì đạo."

Nhà lãnh đạo tôn giáo này cũng cho rằng không thể chấp nhận Quốc hội mới vì "các quyết định nguy hiểm" của cơ quan này như việc kêu gọi nước ngoài can thiệp vào Libya, áp đặt kiểm soát đối với nhà nước cũng như tuyên bố các "lực lượng cách mạng" thuộc Liên minh Hồi giáo Fajr Libya (Bình minh Libya) là khủng bố.

Trong một diễn biến liên quan, nhóm Fajr Libya, có quan hệ với các chiến binh đến từ thành phố miền Tây Misrata và hiện đang kiểm soát thủ đô Tripoli và thành phố lớn thứ hai Benghazi (miền Đông), cũng từ chối lời kêu gọi ngừng bắn được đưa ra tại cuộc họp nói trên.

Trong một tuyên bố được đăng tải trên mạng xã hội Facebook, lực lượng này cho biết cách chấm dứt giao tranh là giải giáp vũ khí các nhóm đối địch với Fajr Libya và bắt giữ các lãnh đạo của các nhóm này.

Trước đó, tại cuộc họp được Liên hợp quốc đánh giá là "tích cực" và "mang tính xây dựng" hôm 29/9, các nghị sỹ đối địch trong Quốc hội Libya đã cùng kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện trên toàn quốc, đồng thời nhất trí mở cửa trở lại các sân bay, cũng như khẩn trương giải quyết các vấn đề nhân đạo dưới sự trung gian của Liên hợp quốc nhằm xây dựng lòng tin.

Các đại biểu cũng nhất trí triệu tập vòng đối thoại thứ hai sau kỳ nghỉ lễ Eid Al-Adha (Lễ Hiến sinh của người Hồi giáo bắt đầu vào ngày 4/10 tới) để giải quyết mọi bất đồng lớn còn tồn tại giữa hai bên.

Từ vài tháng nay, Libya bị chia rẽ sâu sắc với sự tồn tại của hai quốc hội và hai chính phủ song song.

Theo kế hoạch chuyển tiếp, Quốc hội mới được bầu trong cuộc tổng tuyển cử hôm 25/6 vừa qua là cơ quan lập pháp thay thế cho Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC, tức cơ quan lập pháp đã mãn nhiệm).

Tuy nhiên, liên minh Hồi giáo Fajr Libya ủng hộ GNC và không công nhận Quốc hội mới, vốn cho những người chống Hồi giáo chiếm đa số. Việc này dẫn tới bế tắc chính trị, khiến đất nước chìm trong bất ổn nghiêm trọng kể từ cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục