Ngày 23/9, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, cho biết tàu huấn luyện Hannara do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ cho Chính phủ Việt Nam và giao Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là đơn vị trực tiếp khai thác, vận hành, đã chính thức cập cầu Cảng MPC Port tại bán đảo Đình Vũ, Hải Phòng sau 7 ngày hành hải từ Busan (Hàn Quốc).
Theo Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Hannara là tàu huấn luyện chính của Trường Đại học Hàng hải và Hải dương Hàn Quốc trong thời gian dài.
Từ khi được hạ thủy đến nay, tàu đã phục hiệu quả cho công tác đào tạo và huấn luyện hàng hải của Hàn Quốc.
[Tàu buồm huấn luyện Lê Quý Đôn của Hải quân Việt Nam thăm Indonesia]
Khi bàn giao cho Việt Nam, tàu có chất lượng và công nghệ tốt, đáp ứng đầy đủ các điều kiện của tàu huấn luyện hàng hải quốc tế.
Ngoài các thông số kỹ thuật đáp ứng đúng yêu cầu, tàu có phòng huấn luyện, hội trường cùng các phòng học, thư viện, phòng tập thể thao. Năng lực tiếp nhận 202 người (bao gồm 152 sinh viên và 50 sỹ quan, thuyền viên, giảng viên).
Tàu huấn luyện Hannara sau khi được tiếp nhận sẽ đổi tên thành VMU Việt-Hàn.
Tàu có khả năng cung cấp các khóa huấn luyện trên tàu theo tiêu chuẩn quốc tế cho sinh viên ngành đi biển, sỹ quan hàng hải và thuyền viên cả nước, đặc biệt là Chương trình thực tập sỹ quan đáp ứng đầy đủ các quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), điều mà chưa tàu huấn luyện hiện tại nào của Việt Nam có thể thực hiện được.
Sinh viên ngành đi biển sau khi tốt nghiệp, sẽ không phải thực tập sỹ quan từ 12-36 tháng trên đội tàu thương mại như hiện nay, mà sẽ đủ điều kiện và khả năng thi lấy Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn sỹ quan hàng hải trên tàu cấp không hạn chế, giống như sinh viên ngành đi biển của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Để thực hiện thành công việc chuyển giao, tàu huấn luyện Hannara sau khi tiếp nhận sẽ được khai thác, quản lý và vận hành hiệu quả, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã cử đoàn tiếp nhận tàu bao gồm 12 người, gồm các thuyền trưởng, máy trưởng, sỹ quan hàng hải có kinh nghiệm lâu năm, đã từng vận hành các con tàu quốc tế siêu lớn; đồng thời cũng đang đảm nhận công tác đào tạo và huấn luyện tại các trung tâm mô phỏng, thực hành, huấn luyện hàng hải của nhà trường cùng các thuyền viên dày dạn kinh nghiệm.
Công tác tiếp nhận, chuyển giao tàu dự kiến sẽ diễn ra trong 4 ngày (23 - 26/9), trong đó có một ngày chạy thử tàu trên biển.
Việc tiếp nhận, chuyển giao thành công tàu huấn luyện Hannara là sự kiện đánh dấu một trong những điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong năm nay.
Đây còn là dấu mốc quan trọng cho quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, Việt Nam-Hàn Quốc và là dấu mốc lịch sử của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, cũng như của ngành hàng hải Việt Nam khi lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam được sở hữu con tàu huấn luyện hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài hợp tác với các đối tác Hàn Quốc, Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam còn có mối quan hệ hữu nghị hợp tác với nhiều đối tác thuộc các quốc gia như Mỹ, Nhật, Hà Lan, Anh, Thụy Điển, Ba Lan, Nga, Ukraine, Australia./.