“Quan điểm của trường là vẫn mở lớp đào tạo sư phạm chất lượng cao, dù chỉ tuyển được một thí sinh,” ông Hoàng Dũng Sỹ, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Hồng Đức, chia sẻ.
Chế độ đặc biệt vẫn khó tuyển sinh
Mùa tuyển sinh năm 2018, Đại học Hồng Đức là trường tiên phong trong cả nước thực hiện đào tạo sư phạm có địa chỉ, có đảm bảo việc làm sau khi ra trường cho sinh viên, nhằm thu hút được người giỏi vào sư phạm trong bối cảnh đầu vào sư phạm bết bát nhiều năm gần đây.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành sư phạm. Tỉnh đặt hàng Đại học Hồng Đức mở 4 chương trình đào tạo sư phạm chất lượng cao, gồm Sư phạm Toán, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn. Chỉ tiêu đào tạo là 20 sinh viên mỗi ngành.
Sinh viên sẽ được Đại học Hồng Đức đào tạo theo chương trình chất lượng cao. Tỉnh sẽ đảm bảo phân công nơi làm việc cho các sinh viên này sau khi tốt nghiệp.
[Nguy cơ 'vỡ trận' đào tạo sư phạm chất lượng cao tại Thanh Hóa]
Yêu cầu được đặt ra là các thí sinh phải đạt từ 24 điểm trở lên trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, trong đó không môn nào dưới 5 điểm và điểm thi môn chính của ngành học phải đạt thấp nhất là 8 điểm.
Sau khi công bố thông tin trên, các chương trình đào tạo chất lượng cao của Đại học Hồng Đức đã nhận được khá nhiều hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh.
Tuy nhiên, theo ông Sỹ, kết thúc xét tuyển đợt một, số lượng thí sinh đủ điều kiện đỗ vào các chương trình này không nhiều.
Cụ thể, Ngữ văn là ngành có số lượng thí sinh đỗ chất lượng cao nhiều nhất, với 12 em đã xác nhận nhập học tại trường.
Ngành Sư phạm Lịch sử tuy có đến 22 em đạt điểm từ 24 trở lên, nhưng lại chỉ có khoảng 8 em đạt tiêu chuẩn của đề án chất lượng cao do nhiều em có môn chính không đạt 8 điểm.
Ngành Toán tình trạng bi đát hơn, khi theo ông Sỹ, chỉ có một em đủ điểm đỗ vào lớp chất lượng cao. Ngành Vật lý thậm chí chưa tuyển được em nào.
“Hiện trường vẫn đang thông báo tuyển bổ sung và vẫn đang mong chờ thí sinh đăng ký,” ông Sỹ nói.
Theo ông Sỹ, việc tuyển sinh các chương trình sư phạm chất lượng cao khó khăn do điểm thi năm nay cao hơn hẳn so với năm 2017. Trong khi năm 2017, số lượng thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên ở Thanh Hóa rất nhiều thì năm nay, con số này khá hạn chế. Cũng vì vậy, các em có nhiều sự lựa chọn, trong khi sư phạm không phải là ngành có nhiều sức hút và Đại học Hồng Đức lại chỉ là một trường địa phương.
“Khi xây dựng đề án này, chúng tôi tính tương quan trên điểm thi Trung học phổ thông quốc gia của năm 2017. Năm ngoái, Thanh Hóa có rất nhiều thí sinh đạt từ 27 đến 30 điểm. Không thể ngờ điểm thi năm nay lại quá thấp so với năm ngoái, 24 điểm năm nay là một điểm số rất cao," nguyên Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức Nguyễn Mạnh An, tác giả của Đề án đào tạo sư phạm chất lượng cao, nói.
Vẫn quyết mở lớp
Theo ông Hoàng Dũng Sỹ, dù số lượng thí sinh tuyển được không nhiều nhưng Đại học Hồng Đức vẫn quyết tâm mở lớp đào tạo sư phạm chất lượng cao, cho dù chỉ có một sinh viên.
“Việc này nhằm đảm bảo cam kết của trường, của tỉnh, cũng như tạo niềm tin cho thí sinh để chúng tôi có thể thu hút thí sinh tốt hơn vào các năm sau. Trường cũng đang tiến tới mở chương trình đào tạo chất lượng cao cho bốn ngành sư phạm khác,” ông Sỹ nói.
Cũng theo ông Sỹ, việc đào tạo ở trường dù ít thí sinh nhưng vẫn có thuận lợi là ở chương trình cơ bản, các sinh viên lớp chất lượng cao có thể học cùng các sinh viên ở lớp đại trà. Trong các chương trình chất lượng cao, trường sẽ đảm bảo đào tạo cho các em.
“Nếu lớp quá ít, chúng tôi cũng dự kiến có thể đưa các em đạt 24 điểm nhưng không đủ điều kiện về điểm môn chính theo học lớp chất lượng cao. Tuy theo đúng quy định của Đề án thì các em này sẽ không được hưởng chế độ ưu đãi về bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp, nhưng như vậy cũng góp phần nâng cao chất lượng giáo viên của tỉnh,” ông Sỹ cho biết.
[Tỉnh Thanh Hóa đặt hàng đào tạo 80 chỉ tiêu ngành sư phạm]
Không chỉ lớp chất lượng cao, việc tuyển sinh một số ngành sư phạm của Đại học Hồng Đức cũng đang đứng trước nhiều khó khăn vì thiếu sinh viên.
Danh sách trúng tuyển đợt một của trường cho thấy, Đại học Hồng Đức mới chỉ có một thí sinh trúng tuyển ngành Sư phạm Sinh học, ngành Sư phạm Hóa học có 5 em, Sư phạm Vật lý có 7 em, Sư phạm Toán học có 11 em.
“Chúng tôi vẫn đang chào mời thí sinh trong đợt xét tuyển bổ sung. Chương trình dạy được thiết kế theo nhóm ngành, trong đó có 60% kiến thức chung, nên có thể ghép lớp. Khi phân ngành thì chúng tôi sẽ chấp nhận dạy theo nhóm nhỏ, nên chỉ cần tuyển được 5 em là trường vẫn sẽ mở lớp,” ông Sỹ chia sẻ.
Theo vị Trưởng phòng Quản lý đào tạo của Đại học Hồng Đức, việc tuyển sinh các ngành sư phạm khó khăn không chỉ năm nay mà đã nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, đây là ngành học truyền thống của trường nên Đại học Hồng Đức sẽ vẫn nỗ lực hết sức để duy trì./.