Đại học Kinh tế quốc dân lên tiếng về vụ tăng 30% học phí

Trước những lo lắng của sinh viên K57 về việc học phí tăng, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Phạm Hồng Chương khẳng định trường sẽ tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ sinh viên.
Đại học Kinh tế quốc dân lên tiếng về vụ tăng 30% học phí ảnh 1Sinh viên tham gia xét tuyển vào Đại học Kinh tê quốc dân năm 2015. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Trước những lo lắng của sinh viên K57 về việc học phí tăng, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Phạm Hồng Chương khẳng định trường sẽ tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ sinh viên. “Năm học tới, trường sẽ thành lập quỹ học bổng mới, dành cho những sinh viên hoàn cảnh khó khăn, ngay cả khi các em không phải là những sinh viên xuất sắc,” ông Chương nói

Tăng học phí theo lộ trình

Sinh viên K57, trường Đại học Kinh tế quốc dân đang than trời vì học phí năm nay tăng gần 30% so với năm học 2015-2016.

Cụ thể, so với năm học 2015-2017, học phí của năm học 2016-2017 đối với sinh viên K57 và K58 (khóa sinh viên sắp nhập học trong kỳ tuyển sinh tới) sẽ tăng từ 80.000 đồng đến hơn 100.000 đồng cho mỗi tín chỉ, ở tất cả các nhóm ngành.

Cụ thể, mức tăng học phí sắp tới của sinh viên K57 và K58 được chia thành ba nhóm. Học phí nhóm ngành 1 (gồm Tin học kinh tế, Hệ thống thông tin quản lý, Công nghệ thông tin, Kinh tế học, Kinh tế nông nghiệp và PTNT, Kinh tế tài nguyên, Kinh tế bất động sản và địa chính, Kinh doanh bất động sản, Luật kinh doanh, Luật kinh doanh quốc tế, Thống kê kinh tế xã hội và Thống kê kinh doanh) tăng 80.000 đồng/tín chỉ, từ 295.000 đồng/tín chỉ lên 375.000 đồng/tín chỉ.

Nhóm ngành Kế toán tổng, Kiểm toán, Kinh tế đầu tư và Kinh tế quốc tế, Tài chính doanh nghiệp có mức tăng nhiều nhất, từ 415.000 đồng/tín chỉ lên 530.000 đồng/tín chỉ, tăng 115.000 đồng/tín chỉ.

Với các ngành còn lại, học phí tăng 95.000 đồng/tín chỉ, từ 355.000 đồng/tín chỉ lên 450.000 đồng/tín chỉ.

Riêng với các sinh viên K56 và K55, do mức học phí từ năm thứ nhất vẫn hưởng theo mức học phí tương đối thấp, khi trường chưa thực hiện tự chủ tài chính và vẫn có sự đầu tư của Nhà nước, nên mức tăng theo đó cũng không nhiều, từ 220.000 đồng/tín chỉ lên 290.000 đồng/tín chỉ và giống nhau ở tất cả các ngành.

Lý giải về vấn đề này, Phó hiệu trưởng Phạm Hồng Chương cho biết, Đại học Kinh tế quốc dân được Chính phủ quyết định giao thí điểm tự chủ tài chính từ năm 2015. Điều này đồng nghĩa với việc từ năm 2015, Nhà nước cắt các khoản đầu tư và nhà trường phải tự hạch toán thu – chi, với nguồn thu chính là từ học phí của sinh viên.

Cũng theo ông Chương, việc tăng học phí của trường đã được Chính phủ quy định cụ thể trong Nghị định số 86 ngày 2/10/2015, với mức trần học phí cho khối ngành kinh tế của trường đại học công lập tự chủ tài chính năm học 2016-2017 là 1,75 triệu đồng/sinh viên/tháng.

Đại học Kinh tế quốc dân lên tiếng về vụ tăng 30% học phí ảnh 2Điều 5, Nghị định 86 của Chính phủ quy định về mức trần học phí đối với các trường đại học tự chủ tài chính, theo lộ trình từng năm học.

“Mức trần quy định của Chính phủ quy định như vậy nhưng khi tăng học phí, chúng tôi phải cân nhắc rất nhiều. Nhà trường đã thành lập tổ công tác xây dựng lộ trình tăng học phí trên cơ sở lấy thu bù chi và có một phần tích lũy phát triển, nhưng cũng tính đến yếu tố thứ ba là khả năng chi trả của sinh viên. Vì thế, mức học phí kịch trần chỉ áp dụng với một số ngành ‘nóng’, các ngành còn lại mức học phí đều dưới trần, ở ngưỡng 1,2 triệu/sinh viên/tháng. Học phí của trường cũng chỉ nằm ở tốp trung trong các trường công tự chủ tài chính khối ngành kinh tế,” ông Chương nói.

Sẽ tăng học bổng, tạo điều kiện tối đa cho sinh viên

Ông Chương cho biết từ ngày 17/3/2015, Chính phủ đã có quyết định368/QĐ-TTg cho Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện thí điểm tự chủ tài chính. Theo đó, trường cũng đã có thông báo với sinh viên về việc khi thực hiện tự chủ, học phí sẽ tăng theo lộ trình từng năm, ở mức trần 30% mỗi năm.

“Tuy nhiên, năm ngoái, việc tuyển sinh theo hướng đổi mới và cả nhà trường và thí sinh đều bị cuốn vào việc theo dõi chỉ tiêu, việc đỗ, trượt nên vấn đề học phí đã không được quan tâm đúng mức. Sinh viên không tìm hiểu kỹ thông tin về lộ trình tăng học phí của trường, còn nhà trường cũng chưa tuyên truyền sâu rộng đến các em. Điều này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm,” ông Chương chia sẻ.

Trước những bức xúc và lo lắng của sinh viên K57 về học phí tăng, ông Chương khẳng định học phí tăng sẽ đi đôi với chất lượng đào tạo sẽ được nâng lên, cơ sở vật chất sẽ được trường hoàn thiện hơn trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho biết chế độ học bổng, chính sách với sinh viên cũng sẽ được trường mở rộng hơn.

Cụ thể, số lượng học bổng trường cấp cho sinh viên đang ngày càng tăng.

Bắt đầu từ năm 2015, nhà trường bắt đầu vận hành quỹ học bổng tương đương khoảng 50 tỷ do các tập đoàn Vingroup, Hòa Phát, Bảo Việt và các cựu sinh viên trường tài trợ. 

Năm học 2015-2016, trường đã cấp hơn 2.600 học bổng cho sinh viên có thành tích học tập tốt, với tổng giá trị hơn 8 tỷ đồng. Cũng trong năm học này, gần 700 sinh viên của trường được miễn giảm học phí, gần 1.500 sinh viên được hỗ trợ chi phí học tập với tổng mức tiền miễn giảm và hỗ trợ xấp xỉ 5 tỷ đồng.

“Đặc biệt, năm học 2016-2017, nhà trường sẽ dành khoảng từ 2 đến 3 tỷ đồng để thành lập quỹ học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng không nhất thiết phải có thành tích học tập nổi trội. Đây là hoạt động thiết thực để hỗ trợ sinh viên và là cơ hội rộng mở cho tất cả các em sinh viên của trường thay vì chỉ tập trung vào đối tượng sinh viên xuất sắc như trước đây,” ông Chương chia sẻ.

Lãnh đạo Đại học Kinh tế quốc dân cũng khẳng định với gói hỗ trợ mới này, trường sẽ thông báo công khai, cụ thể và chi tiết về điều kiện, cách thức tiếp cận cho sinh viên toàn trường.

“Các trường hợp đăng ký, trường sẽ có xác minh, nếu sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thực sự trường sẽ hỗ trợ để các em có thể yên tâm gắn bó với trường,” Phó hiệu trưởng Phạm Hồng Chương nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục