Đại học Thương Mại đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục

Vượt qua kỳ thi đánh giá ngoài khắt khe của Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục-Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thương mại đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng với tỷ lệ 85,2%.
Đại học Thương Mại đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục ảnh 1(Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng 10/4, Trường Đại học Thương Mại (Hà Nội) đã tổ chức Lễ trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vượt qua kỳ thi đánh giá khắt khe của Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục-Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thương mại đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng với tỷ lệ 85,2% (52/61 tiêu chí đạt yêu cầu).

Như vậy, tính đến thời điểm này, cả nước có 79 trường đại học đạt chuẩn kiểm định chất lượng.

Giáo sư-tiến sỹ khoa học Mai Trọng Nhuận, trưởng đoàn đánh giá ngoài Trung tâm Kiểm định Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Đại học Thương Mại có bước tiến rất tốt từ khi chuẩn bị kiểm định đánh giá ngoài, quá trình đánh giá ngoài và đến kết quả hôm nay. Kiểm định chất lượng là để cải tiến chất lượng. Tôi nhìn thấy những bước đi rất vững chắc của trường đại học này."

Theo giáo sư-tiến sỹ khoa học Mai Trọng Nhuận, kiểm định là công cụ tốt đánh giá chất lượng quản trị đại học, đánh giá sự đổi mới của nhà trường, cơ sở đảm bảo cho quá trình tự chủ đại học. Đại học Thương mại đã tiếp thu những góp ý của đoàn đánh giá, huy động toàn bộ lực lượng tổng lực vào cải thiện các nội dung được góp ý.

Giáo sư-tiến sỹ khoa học Mai Trọng Nhuận đánh giá Đại học Thương mại là trường top đầu trong lĩnh vực đào tạo kinh tế của Việt Nam và có những đóng góp tốt trong lĩnh vực đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế dịch vụ. Trường có đội ngũ chuyên gia giỏi, những nhà quản lý xuất sắc, gắn kết tốt với xã hội, huy động được nguồn lực đóng góp của xã hội. Đây là điểm không nhiều trường đại học làm được.

Theo thống kê, trong số 79 trường đại học được kiểm định, đối với tiêu chuẩn 7.5 của Bộ tiêu chí - thu hút nguồn thu từ khoa học công nghệ và chuyển giao trí thức, 75% các trường không đạt yêu cầu, tức là 3/4 các trường đại học đang yếu khoản thu hút các nguồn lực xã hội. Đại học Thương mại có tiến bộ. Nhìn tổng thể, đây là trường đạt nhiều tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

[4 đại học Việt Nam đầu tiên được công nhận đạt chuẩn kiểm định]

Ông Trần Văn Kiên, Phó Cục trưởng Cục quản lý và kiểm định chất lượng giáo dục-Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trong bối cảnh quốc tế ngày càng sâu rộng, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì chất lượng giáo dục trở thành vấn đề sống còn của hệ thống giáo dục đại học.

Quá trình xây dựng văn hóa chất lượng là một hành trình dài của mỗi trường đại học, là tổng hòa các mối tương tác giữa các đơn vị trong nhà trường, là kết quả của sự phấn đấu không ngừng của tất cả đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên và người học trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng nhà trường cần phát huy điểm mạnh, khắc phục những tồn tại, thực hiện tốt các kế hoạch cải tiến chất lượng sau tự đánh giá. Dựa trên những khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài và hội đồng kiểm định chất lượng, trường từng bước xây dựng văn hóa chất lượng bên trong nhà trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ cộng đồng.

Giáo sư-tiến sỹ Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương Mại cho rằng: "Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục phản ánh toàn bộ thực trạng của nhà trường, giúp cho quản lý và toàn thể cán bộ, giảng viên nhận rõ những điểm mạnh, điểm tồn tại của nhà trường và từng đơn vị trong nhà trường, từ đó có bước hành động tiếp theo phù hợp nhằm khắc phục tồn tại, duy trì và nâng cấp chất lượng."

Theo giáo sư-tiến sỹ Đinh Văn Sơn, kết quả này thay đổi cách nhìn nhận về trách nhiệm, chuyển từ quan điểm chỉ nhận trách nhiệm công việc trước cấp trên sang nhận trách nhiệm đảm bảo chất lượng trước các đối tượng rộng hơn gồm người học, nhà tuyển dụng, nhà nước và xã hội.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục