Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 23/2 (rạng sáng 24/2 theo giờ Hà Nội) đã nhóm họp phiên đặc biệt để thảo luận về tình hình xung đột Nga-Ukraine trong bối cảnh cuộc xung đột này bước sang năm thứ ba.
Phát biểu tại cuộc họp có sự tham dự của đại diện 193 thành viên Liên hợp quốc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Dennis Francis đã bày tỏ quan ngại trước những thiệt hại và sự tàn phá ở Ukraine sau 2 năm xung đột.
Giao tranh đã khiến hàng nghìn người thương vong, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và rất nhiều cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện bị hư hại.
Ông Francis nhận định cuộc xung đột Nga-Ukraine đang gây ra tác động trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực, giá năng lượng, đồng thời trở thành yếu tố quan trọng góp phần tái định hình bản đồ địa chính trị và địa kinh tế thế giới.
Người đứng đầu Đại hội đồng Liên hợp quốc cảnh báo xung đột không chỉ gây phương hại trực tiếp cho các quốc gia liên quan, mà còn cản trở sự tiến bộ tại nhiều nước khác, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.
Chủ tịch Đại hội đồng Francis cũng cảnh báo cuộc xung đột đang làm xói mòn nền tảng và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, phá vỡ thế cân bằng mong manh của các mối quan hệ quốc tế đúng vào thời điểm tinh thần đoàn kết, sự thống nhất và hợp tác có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình giải quyết các vấn đề đa phương.
Ông hối thúc cộng đồng quốc tế, Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội đồng Bảo an, tăng gấp đôi các nỗ lực để chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine, hướng tới nền hòa bình toàn diện, công bằng, bền vững phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và mở ra tương lai hy vọng, thịnh vượng cho người dân ở hai nước.
Chiều cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng nhóm họp phiên đặc biệt để thảo luận về cuộc xung đột Nga-Ukraine./.
Ukraine chấp nhận cùng Nga tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu lần 2
Đại diện Ukraine cho biết tại bàn đàm phán không chỉ có các đối tác từ các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) mà còn cả các nước ở Nam bán cầu.