Ngày 27/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài nguyên và Môi trường lần thứ IV, giai đoạn 2020-2025.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, chúc mừng và biểu dương những kết quả đã đạt được của ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung và của Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng trong 5 năm qua (2015-2020).
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh tới 5 nhiệm vụ mà Bộ Tài nguyên và Môi trường cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, về thực hiện nhiệm vụ chính trị, Bộ cần thống nhất trong nhận thức và hành động, coi nhiệm vụ quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những trụ cột quan trọng để phát triển bền vững đất nước; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ về tài nguyên và môi trường theo nguyên tắc thị trường; phát triển thị trường quyền sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và xây dựng nông thôn mới; chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Bộ cũng cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với khen thưởng, kịp thời biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân xuất sắc...
Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Càng khó khăn, càng phải thi đua," trong nhiệm kỳ qua, toàn ngành đã phát động và triển khai sâu rộng, hiệu quả các hoạt động thi đua yêu nước theo phương châm của Chính phủ “kỷ luật, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm, hành động” trong thực hiện nhiệm vụ chính trị...
Qua đó, ngành đã tạo ra những đổi mới, đột phá trong việc ban hành, thực thi chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, tích cực bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ phát triển bền vững kinh tế-xã hội; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Đánh giá về những kết quả, đóng góp của phong trào thi đua yêu nước đối với sự phát triển của ngành tài nguyên và môi trường trong 5 năm qua (2015-2020), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết các phong trào thi đua của ngành đã góp phần xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, dần xóa bỏ rào cản, giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa nền hành chính, chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế; tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong quản lý và chỉ đạo điều hành.
[Nâng cao chất lượng môi trường trong phát triển kinh tế]
Đồng thời, qua các phong trào thi đua, các nội dung đổi mới, sáng tạo đã được thúc đẩy; việc nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, quản lý, khai thác, sử dụng, tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng được chú trọng; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Nổi bật là giai đoạn 2015-2020, ngành tài nguyên và môi trường đã được Đảng, Chính phủ khen thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: 11 danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc; 146 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 49 Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; 106 Huân chương các loại. 28 tập thể và 57 cá nhân được công nhận điển hình tiên tiến ngành tài nguyên và môi trường.
Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm giai đoạn 2020-2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục đổi mới tư duy hành động; chủ động, sáng tạo trong công tác điều hành; dự báo, phản ứng chính sách kịp thời để vượt qua khó khăn, thách thức tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong công tác quản lý sử dụng tài nguyên, chủ động trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với đó, ngành tài nguyên và môi trường cần tập trung sửa đổi Luật Đất đai, hoàn thiện các công cụ kinh tế, tài chính, đổi mới phương pháp định giá đất để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, phòng chống thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất.
Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) được thông qua mới đây sẽ góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, toàn ngành sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh; hoàn thiện quy trình liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, biển và hải đảo...
Đại hội cũng đã thông qua danh sách đoàn đại biểu của Bộ Tài nguyên và Môi trường gồm 85 người dự Đại hội Thi đua Yêu nước Toàn quốc lần thứ X./.