Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam diễn ra ngày 27/4, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nghiêm Xuân Thành dành khá nhiều thời gian để trả lời các câu hỏi của các cổ đông về hoạt động kinh doanh, kế hoạch M&A, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Bán 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài
Tại Đại hội, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, tháng 12/2017, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đã chấp thuận cho Vietcombank phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tỷ lệ 10% vốn điều lệ, tối đa không quá 10 nhà đầu tư. Giá bán căn cứ theo giá thị trường do công ty thẩm định giá tư vấn và xác định theo 10 phiên giao dịch gần nhất.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc tại sao chỉ có 10 nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phiếu trong đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ sắp tới của Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc ngân hàng chia sẻ, trong kế hoạch xây dựng, việc bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài không chỉ để bổ sung vốn cho ngân hàng mà còn phải chọn những cổ đông có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm và chuyên nghiệp.
[Chủ tịch FPT Trương Gia Bình ứng cử vào Hội đồng quản trị Vietcombank]
"Ngân hàng đã tiếp xúc và nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Cổ đông chiến lược của ngân hàng là Mizuho cũng sẽ mua cổ phiếu VCB trong thời gian tới để đảm bảo tỷ lệ sở hữu 15% tại ngân hàng," ông Dũng chia sẻ.
Tại Đại hội, các cổ đông đã quyết định bầu chọn ra Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018-2023 (dự kiến Hội đồng quản trị sẽ có 11 người) với 8 thành viên, trong đó 6 thành viên cũ là ông Nghiêm Xuân Thành, Phạm Quang Dũng, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Mỹ Hào, Phạm Anh Tuấn, Eiji Sasaki và 1 thành viên mới là ông Hồng Quang.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, Chủ tịch Câu lạc Bộ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, Trưởng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã được bầu vào làm thành viên Hội đồng quản trị độc lập ngân hàng này.
Trả lời câu hỏi về số lượng thành viên Hội đồng quản trị dự kiến là 11 thành viên nhưng danh sách bầu lần này chỉ có 8 người, ông Dũng cho hay, sắp tới, ngân hàng sẽ bán 10% vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây là tỷ lệ sở hữu tương đối lớn và ngân hàng cũng đã có một số cân nhắc, có thể sẽ có nhà đầu tư nước ngoài lớn mong muốn tham gia vào Hội đồng quản trị ngân hàng. Việc bầu tiếp 3 thành viên Hội đồng quản trị sẽ tiến hành trong Đại hội cổ đông năm sau hoặc trong Đại hội cổ đông bất thường.
Đối với vấn đề M&A, ông Thành cho biết, Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 đã thông qua giao cho Hội đồng quản trị tìm kiếm ngân hàng để M&A, hiện nay ban lãnh đạo ngân hàng vẫn đang trong lộ trình và vẫn chưa tìm được ngân hàng để thực hiện.
Về hỗ trợ ngân hàng yếu kém, Vietcombank được Ngân hàng Nhà nước giao hỗ trợ 1 trong 3 ngân hàng 0 đồng, tuy nhiên, ngân hàng này chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật và con người chứ không phải hỗ trợ tài chính, Vietcombank đã cử một số thành viên tham gia vào Ngân hàng Xây dựng để tư vấn trong quá trình kinh doanh.
Bên cạnh đó, một số cổ đông cũng đặt câu hỏi về việc thoái vốn, người đứng đầu Vietcombank cho biết, Vietcombank đã tiến hành thoái vốn tại một số tổ chức tín dụng để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 36, hiện còn lại 2 tổ chức tín dụng chưa thoái vốn nhưng đã đảm bảo yêu cầu của quy định. Hiện chỉ có vấn đề là Vietcombank sở hữu cao hơn 5% tại Eximbank và MB, Vietcombank sẽ thoái vốn và tỷ lệ sở hữu bao nhiêu thì sẽ do ngân hàng quyết định nhưng sẽ dưới 5%.
"Ngay trong quý 2 này, nếu thị trường tích cực chúng tôi sẽ tiến hành thoái vốn bớt khỏi 2 tổ chức trên để đáp ứng đầy đủ nhất của Thông tư 36," ông Thành nhấn mạnh.
Chi 2.900 tỷ đồng trả cổ tức
Tại Đại hội, ngân hàng đã trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận sau thuế 2017. Theo đó, với 8.849 tỷ đồng lãi sau thuế năm 2017, ngân hàng trình Đại hội cổ đông trích lập các quỹ, trả thù lao tương ứng 2/3 lợi nhuận được phép phân phối. Như vậy 2.878 tỷ đồng còn lại được chia cổ tức bằng tiền mặt (theo tỷ lệ 8%) cho cổ đông.
Mặc dù vậy vẫn có cổ đông đặt câu hỏi tại sao những năm trước ngân hàng chia cổ tức từ 12-15%, mà mấy năm gần đây lại chỉ giữ ở mức 8%, về vấn đề này, ông Dũng chia sẻ, do ngân hàng dành vốn để tăng vốn điều lệ. Năm 2012, vốn của ngân hàng là trên 12.000 tỷ đồng, đến 2014 đã tăng lên 26.000 tỷ đồng và hiện nay là 35.900 tỷ đồng, do đó ngân hàng đã giảm chi trả cổ tức.
Các cổ đông Vietcombank cũng đã thông qua kế hoạch phương án tăng 14% tổng tài sản, tăng 15% tín dụng và huy động vốn; mục tiêu lợi nhuận là 13.300 tỷ đồng, tăng 17%. Năm 2017, Vietcombank dẫn đầu lợi nhuận toàn hệ thống với mức lãi hơn 11.300 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ ở mức dưới 1,5%. Tỷ lệ trả cổ tức 8%.
Trong khi đó, trong giai đoạn từ 2018-2023, Vietcombank đề ra mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 13% hàng năm. Tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng là 15%/năm, tăng trưởng huy động vốn từ nền kinh tế là 14%/năm. ROE mục tiêu ở mức 15%, tỷ lệ nợ xấu giữ dưới 1% và tỷ lệ an toàn vốn (theo Basel II) ở mức 9%.
Ngay sau Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị Vietcombank nhiệm kỳ 2018-2023 đã họp phiên đầu tiên để bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị và thực hiện phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng quản trị.
Ông Nghiêm Xuân Thành đã trúng cử Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018-2023 với số phiếu tuyệt đối. Ban Kiểm soát Vietcombank nhiệm kỳ 2018-2023 cũng đã họp phiên đầu tiên và đã bầu bà Trương Lệ Hiền giữ chức Trưởng Ban Kiểm soát Vietcombank nhiệm kỳ 2018-2023./.