Khi những “lá chắn” rừng giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Gia Lai và Phú Yên không còn nữa, lâm tặc lại ồ ạt “mở lối” xâm nhập vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar (Đắk Lắk), xẻ thịt nhiều loại gỗ quý, săn bắt động vật trái phép, gây nguy cơ phá vỡ sự đa dạng sinh học khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, đặc biệt là việc bảo vệ rừng đầu nguồn Sông Hinh và sông Krông H’năng.
Xâm hại rừng từ bốn phía
Theo phản ánh của người dân, một ngày giữa tháng 10, xuôi theo Quốc lộ 26 và 29 hơn 100km, phóng viên TTXVN đã tìm đến Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, điểm nóng xâm hại rừng của tỉnh Đắk Lắk thời gian gần đây.
Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có diện tích gần 26.850ha, địa giới hành chính giáp ranh với các huyện Krông Pa (Gia Lai), Sông Hinh (Phú Yên) và các huyện Krông Năng, Man Đ’rắk (Đắk Lắk).
Ea Sô nổi tiếng vẫn giữ được sự đa dạng sinh học, là môi trường sống lí tưởng của nhiều loài động vật nằm trong sách đỏ thế giới và Việt Nam như bò tót, bò rừng, chà vá chân xám và các loài thực vật quý hiếm như giáng hương, cà te, cẩm lai.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, vì là khu vực giáp ranh nên hiện nay bốn phía của khu bảo tồn đều đang bị đe dọa nghiêm trọng. Phía Bắc giáp với huyện Krông Pa (Gia Lai) dài trên 20km (hiện chưa có đường tuần tra), diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng của huyện Krông Pa đang được chuyển đổi sang trồng cao su.
Việc mở đường khai thác rừng trồng tạo điều kiện cho lâm tặc xâm nhập sâu vào khu bảo tồn. Các đối tượng người dân tộc thiểu số thường tụ tập thành từng nhóm 10-20 người, sử dụng xe máy, mang theo súng và các loại hung khí như dao, mã tấu liên tục xâm nhập vào các tiểu khu 616, 617, 618, 622 để khai thác gỗ giáng hương và săn bắt chim, thú.
Phía Đông giáp với huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và khai thác gỗ rừng. Hiện tại, khu vực giáp danh giữa khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô và huyện Sông Hinh vẫn tồn tại bốn xưởng cưa lớn, chuyên mua bán, tiêu thụ gỗ của lâm tặc. Mặt khác, việc xây dựng Thủy điện Krông H’năng (năm 2007) đã làm cho hạ nguồn sông Krông H’năng bị cạn nước, vô tình mở đường cho lâm tặc xâm nhập vào khu bảo tồn, khai thác gỗ, săn bắt động vật quý hiếm.
Mới đây, ngày 28/9, trong lúc tuần tra tại tiểu khu 622, lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã phát hiện và bắt giữ ba đối tượng người dân tộc thiểu số đang kéo gỗ trong rừng gồm La Ô Y Lem, sinh năm 1999, Ha Ra Y Trang, sinh năm 1993, Lê Mô Y Cường, sinh năm 1990, đều trú tại buôn Zô, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.
Tại hiện trường, lực lượng kiểm lâm phát hiện 26 cây gỗ giáng hương (thuộc nhóm IIA) vừa bị “khai tử,” xẻ hộp, có khối lượng 8,7m3. Nhận thấy vụ việc có tính chất hình sự, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã bàn giao lại vụ việc cho Công an huyện Ea Kar điều tra, làm rõ.
Phía Tây và phía Nam của khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô giáp với huyện Krông Năng và Man Đrắk (Đắk Lắk), nơi đây chủ yếu là buôn làng của người dân tộc phía Bắc H’Mông, Tày, Nùng di cư và một số dân tộc bản địa Ê đê, M’nông. Các đối tượng thường xuyên xâm nhập vào khu bảo tồn săn bắt động vật hoang dã, đốt, phá rừng làm nương rẫy.
Đặc biệt khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có Quốc lộ 29 đi qua, việc các đối tượng lâm tặc ngoại tỉnh từ Phú Yên mang súng tự chế theo các xe khách, xe tải vào trong rừng đặt bẫy, săn bắt nhiều động vật quý hiếm như nai, hoẵng khiến cho công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Theo Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, từ năm 2011 đến nay, đơn vị đã bắt xử lý 67 vụ, 81 đối tượng, thu giữ gần 7,5m3 gỗ, 43 xe độ chế, bảy cưa máy và nhiều tang vật khác. Chỉ riêng chín tháng đầu năm 2016, Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn đã phát hiện và bắt 35 vụ, xử lý 38 đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ, mang hung khí trái phép vào rừng.
Cấp thiết phối hợp bảo vệ rừng
Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô Nguyễn Quốc Hùng cho biết lâm tặc ngoại tỉnh luôn tìm cách xâm nhập vào khu bảo tồn khai thác gỗ quý, săn bắt động vật quý hiếm, các đối tượng lâm tặc ngày càng liều lĩnh, manh động, sẵn sàng chống chế lại lực lượng kiểm lâm nên việc giữ rừng ở khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đang đứng trước nhiều thách thức, đáng báo động.
Để tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ rừng, ngoài chín trạm quản lý bảo vệ rừng, đơn vị còn lập thêm ba lán tạm, mỗi lán có từ 5-7 cán bộ kiểm lâm chốt chặn ở những điểm nóng, triển khai các đợt truy quét, tuần tra kiểm soát, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt động vật hoang dã, khai thác gỗ trái phép.
Kiểm lâm khu bảo tồn cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, tuyên truyền, vận động người dân vùng đệm, vùng giáp danh giao nộp vũ khí, súng tự chế, cam kết không chặt phá gỗ rừng, săn bắt động vật rừng.
Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng số 5, Vũ Đức Minh cho biết trước sức ép xâm nhập vào rừng ngày càng lớn của các đối tượng lâm tặc ở Krông Pa (Gia Lai), trạm đã phân công bảy cán bộ quản lý bảo vệ rừng, lập lán ngay tại khu vục vùng giáp danh ngã 3 giữ sông Ea Pich và Krông H’năng để trực tiếp ngăn chặn việc lâm tặc xâm nhập vào rừng.
Tuy nhiên, hiện nay, vùng giáp danh giữa khu bảo tồn với huyện Krông Pa chưa có đường tuần tra, mực nước sông Ea Pich và sông Krông H’Năng đang dâng rất cao, các đối tượng lợi dụng khai thác gỗ rừng rồi thả trôi theo sông, trong khi lực lượng kiểm lâm còn mỏng, thiếu phương tiện nên công tác bảo vệ rừng ở đây gặp nhiều khó khăn.
Về hướng lâu dài, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cũng đã có văn bản kiến nghị Chi cục Kiểm lâm vùng IV, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, Phú Yên phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk chủ động tăng cường các biện pháp tuần tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm những đối tượng xâm nhập khai thác, săn bắt động, thực vật quý hiếm ở khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.
Trước thách thức đe dọa khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô ngày càng lớn, đòi hỏi các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk cần có giải pháp quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, hạn chế thấp nhất việc xâm hại rừng. Có như vậy, việc bảo vệ sự đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô mới thực sự hiệu quả./.