Đắk Lắk: Nhộn nhịp những lô hàng xuất khẩu nông sản đầu năm 2024

Các lô hàng xuất khẩu đầu Năm mới tạo động lực sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp; tạo đà thuận lợi và tín hiệu lạc quan để Đắk Lắk đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra trong năm nay.
Lễ xuất container macca Đắk Lắk đầu tiên vào thị trường Hàn Quốc. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Những ngày đầu Năm mới 2024, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Hàn Quốc.

Các lô hàng xuất khẩu đầu Năm mới đã tạo động lực, khí thế sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp; tạo đà thuận lợi và tín hiệu lạc quan để tỉnh đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đã đề ra trong năm 2024.

Trong bức tranh xuất khẩu đầu Năm mới 2024 tại tỉnh Đắk Lắk, nổi bật có các doanh nghiệp mới, mặt hàng mới lần đầu được xuất khẩu chính ngạch.

Những chiếc xe lăn bánh chở các lô hàng xuất khẩu chính ngạch chở theo cả niềm tin, hy vọng cùng niềm tự hào của nông dân, doanh nghiệp và địa phương.

Ngày 3/1, Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Nutri Soil (thành phố Buôn Ma Thuột) tổ chức Lễ xuất container macca Đắk Lắk đầu tiên vào thị trường Hàn Quốc. Lô hàng có trọng lượng hơn 10 tấn, gồm khoảng 677 thùng sản phẩm.

Sản phẩm đã trải qua nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước về kiểm soát sinh vật gây hại, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy cách đóng gói và truy xuất nguồn gốc. Dự kiến, sản phẩm sẽ được bán tại các chuỗi siêu thị lớn tại Hàn Quốc.

Bà Lê Thị Trang, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Nutri Soil, cho biết kể từ khi thành lập, hơn tám năm qua, công ty luôn gắn bó với nông dân, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, đầu tư máy móc thiết bị chế biến, tìm kiếm thị trường đầu ra.

“Quả ngọt” là container macca đầu tiên của công ty đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hàn Quốc. Theo bà Trang, nhu cầu sử dụng sản phẩm macca trên thế giới ngày càng tăng.

Theo dự báo, nhu cầu macca thế giới hiện gấp bốn lần tổng sản lượng có thể cung ứng. Tỉnh Đắk Lắk có đất đai, khí hậu phù hợp phát triển cây macca. Do vậy, phát triển macca là hướng đi đúng đắn hiện nay.

Tiếp đến, ngày 20/1, Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pắc tổ chức Lễ xuất khẩu lô tổ yến đầu tiên của Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Yến sào Thành Dung sang thị trường Trung Quốc.

Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng đối với nghề nuôi chim yến tại huyện Krông Pắc nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất trên thế giới hiện nay.

Công nhân Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm (M’Drắk, Đắk Lắk) làm việc ngay sau kỳ nghỉ Tết để kịp đáp ứng các đơn hàng của đối tác nước ngoài. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pắc Y Djoang Niê cho biết toàn huyện hiện có trên 200 nhà dẫn dụ chim yến sinh sống, làm tổ.

Xuất khẩu chính ngạch yến sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn; đồng thời giúp doanh nghiệp và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ việc đầu tư gây nuôi chim yến, làm ra các sản phẩm từ tổ yến.

Cùng với nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, thời gian tới, sản phẩm yến của huyện sẽ có cơ hội mở rộng và phát triển mạnh mẽ.

Tiếp nối những thành công trong hoạt động xuất khẩu đầu năm mới, ngày 15/2 (mùng 6 Tết), Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm (huyện M’Drắk) tổ chức Lễ xuất khẩu chính ngạch lô sản phẩm chuối (6 tấn) sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.

Sản phẩm chuối tươi của công ty đã đáp ứng được những tiêu chuẩn của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và hiện sản lượng không đủ cung ứng cho các đơn đặt hàng.

Đối với mặt hàng càphê và hồ tiêu, theo thông tin từ Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một Thành viên Xuất Nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (doanh nghiệp xuất khẩu càphê nhân hàng đầu của tỉnh), ngày đầu tiên làm việc sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, công ty đã xuất khẩu 572 tấn càphê, 56 tấn tiêu ra thị trường nước ngoài.

Theo kế hoạch, đến hết tháng 2/2024, công ty sẽ xuất khẩu 11.000 tấn càphê, 600 tấn tiêu và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu 125.000 tấn càphê, 8.000 tấn tiêu trong năm 2024.

Để các lô hàng xuất khẩu thành công, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, chủ động chuẩn bị để kịp tiến độ giao hàng. Khí thế Năm mới, khí thế ra quân Xuân Giáp Thìn sôi động, nhộn nhịp hứa hẹn mang lại một năm mới thuận lợi, xuất khẩu Đắk Lắk sẽ “thắng lớn.”

Năm 2024, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1.600 triệu USD, tăng 4,3% so với năm 2023.

Một lợi thế lớn của tỉnh là nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đã được xuất khẩu chính ngạch, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh đó, năm 2023, vượt qua những khó khăn và thách thức, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động được nguồn hàng từ vùng nguyên liệu, thâm nhập được vào các thị trường khó tính.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Ngọc Dương, từ sự chủ động của doanh nghiệp trong năm 2023 đã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có các đơn hàng ngay từ đầu năm mới 2024.

Doanh nghiệp cũng đã chủ động làm thủ tục xuất khẩu và xuất khẩu thành công, mang lại nhiều tín hiệu khả quan.

Theo phân tích của ông Huỳnh Ngọc Dương, trong lĩnh vực xuất khẩu hiện nay của tỉnh, về thuận lợi, giá càphê đang ở mức cao (vượt 80.000 đồng/kg càphê nhân), tạo điều kiện cho tỉnh nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu càphê.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk có 13/14 mặt hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Nhiều sản phẩm nông sản chế biến sâu như yến sào, hạt macca… đã được các nhà phân phối của Hàn Quốc, Trung Quốc… đưa vào các kênh bán hàng trong nước.

Đây là những tín hiệu khả quan giúp tỉnh nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024. Tuy nhiên, thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn do các xung đột quốc tế, giá vận chuyển hàng hóa tăng.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một Thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

“Năm 2024, Ngành Công Thương tỉnh Đắk Lắk tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, kết nối giao thương.

Bên cạnh đó, ngành làm việc với các doanh nghiệp nỗ lực giữ vững bạn hàng truyền thống, duy trì thị trường truyền thống; phát triển sản phẩm mới xuất khẩu và thị trường mới xuất khẩu; nỗ lực gia tăng doanh nghiệp mới xuất khẩu,” ông Huỳnh Ngọc Dương nhấn mạnh.

Song song với đó, năm 2024, các Sở, ngành trong tỉnh chú trọng tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu đến doanh nghiệp các hiệp định thương mại song phương, đa phương đã ký kết để doanh nghiệp tranh thủ cơ hội, khai thác ưu đãi nhằm củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tỉnh chủ động tham gia các chương trình hợp tác, liên kết giữa các tỉnh, thành phố, giữa các vùng miền nhằm tạo nguồn sản phẩm cho xuất khẩu. Tỉnh Đắk Lắk cũng xác định, phải lấy thị trường là tín hiệu, mệnh lệnh của quá trình sản xuất.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương, việc nắm bắt được nhu cầu, yêu cầu về chất lượng, yêu cầu về sản phẩm của thị trường, từ đó định hướng cho quá trình sản xuất, đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn, chất lượng là vấn đề quan trọng hàng đầu.

Năm 2024, ngành tiếp tục nghiên cứu 16 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để tận dụng lợi thế từ các hiệp định; nghiên cứu sâu hơn những thị trường, khu vực có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Bên cạnh đó, ngành tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Sản phẩm phải được truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận, có thương hiệu. Như vậy, sản phẩm Đắk Lắk mới có cơ hội nâng cao giá trị, tiêu thụ ổn định và bền vững; góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục