Đắk Nông: Hợp tác xã Hợp Tiến để mất rừng với diện tích lớn

Trước và sau khi được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cho thuê rừng, đất, Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ Hợp Tiến, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong đã để mất rừng với diện tích lớn.
Nhiều diện tích đất rừng trên lâm phần giao cho Hợp tác xã Hợp Tiến bị đánh giá là... không có rừng. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Khi chưa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cho thuê đất rừng để thực hiện dự án quản lý bảo vệ rừng và đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp, Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ Hợp Tiến, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong đã tự ý hợp đồng với một số cá nhân bằng hình thức xúc tiến đầu tư để thu tiền trái pháp luật (giao đất-thu tiền).

Bên cạnh đó, trước và sau khi được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cho thuê rừng, đất, hợp tác xã này cũng để mất rừng với diện tích lớn.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Nông, ngày 12/10/2011, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn và Hợp tác xã Hợp Tiến ký hợp đồng số 172/HĐ-DS bảo vệ rừng tập trung tại 2 tiểu khu 1644 và 1645. Mục đích là giao cho Hợp tác xã Hợp Tiến quản lý, bảo vệ rừng tập trung ở hai tiểu khu này.

Trong khi chưa có chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, ngày 21/10/2012, Hợp tác xã Hợp Tiến đã ký hợp đồng số 65/HĐ-TV với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tân Địa Cầu điều tra, xác minh hiện trạng rừng tại hai tiểu khu 1644 và 1645.

Sau khi phúc tra, Hợp tác xã Hợp Tiến đã lập dự án quản lý, bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm nghiệp. Sau đó, dự án được các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường thẩm định.

Ngày 3/2/2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông có Quyết định 204/QĐ-UBND về việc thu hồi 1.215,049ha (tại tiểu khu 1644 và 1645) của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn, đồng thời giao cho Hợp tác xã Hợp Tiến thuê để thực hiện dự án quản lý bảo vệ rừng và đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp.

Từ khi ký hợp đồng với Công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn để quản lý bảo vệ rừng tập trung đến tháng 5/2017, Hợp tác xã Hợp Tiến đã để mất diện tích rừng lớn.

Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 10/2011 đến tháng 10/2013, diện tích rừng ở hai tiểu khu bị mất 615,3ha (trong đó rừng tự nhiên là 604,5ha, còn lại là rừng trồng); trong số diện tích rừng bị mất có 613,3ha chuyển thành đất trồng cây công nghiệp và đất khác, bị các hộ dân lấn chiếm và có dấu hiệu mua bán, sang nhượng trái phép.

Từ thời điểm Hợp tác xã Hợp Tiến hợp đồng với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tân Địa Cầu phúc tra hiện trạng rừng vào tháng 10/2013 đến khi được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cho thuê đất, thuê rừng vào tháng 2/2016, rừng bị mất hơn 118ha. Từ tháng 3/2016 đến 5/2017, hợp tác xã để mất thêm 53,3ha rừng.

Trong khi đó, diện tích phá rừng 5ha tại khoảnh 2, tiểu khu 1645 không bắt được đối tượng, đang trong giai đoạn khởi tố vụ án, nhưng Hợp tác xã Hợp Tiến đã hợp đồng với người dân địa phương không phải xã viên Hợp tác xã tiến hành san ủi hiện trạng, phát dọn thực bì, múc hố trồng cây; đào đất sình có rừng thành hồ, liền kề rừng bị mất để xây dựng trang trại với ý đồ cá nhân để lấn chiếm đất rừng.

Thanh tra tỉnh Đắk Nông cũng kết luận trong khi chưa được giao đất, giao rừng, ông Lê Văn Vui, Phó Giám đốc Hợp tác xã Hợp Tiến đã hợp đồng với một số cá nhân bằng hình thức xúc tiến đầu tư để thu tiền trái pháp luật với số tiền là hơn 4,072 tỷ đồng.

Hiện nay, ông Vui mới trả lại cho các hộ 1,863 tỷ, còn lại đang chiếm dụng; việc thu chi không được phản ánh vào hệ thống sổ sách kế toán.

[Đắk Nông: Nhiều sai phạm tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Quảng Sơn]

Hợp tác xã Hợp Tiến cũng giao cho bà Trần Thị Kim Thinh (thường trú tại 63K, Vạn Kiếp, Phường 3, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) 52ha đất rừng có thu tiền. Khi giao, rừng bị phá rải rác khoảng 30ha. Sau khi được giao, bà Thinh đã trồng 10.000 cây gáo vàng, sao, sưa và một số cây trồng khác.

Việc giao đất, thu tiền không có bất cứ giấy tờ gì, chưa chuyển đổi, diện tích bà Thinh sử dụng có lấn chiếm ra ngoài diện tích được giao là 1ha.

Khi chưa được cho thuê đất, thuê rừng, Hợp tác xã Hợp Tiến đã ký hợp đồng xúc tiến đầu tư, góp vốn giao đất với Công ty cổ phần Sơn Trường.

Lợi dụng hợp đồng này, ông Dương Ngọc Chiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Sơn Trường đã ký 8 hợp đồng với 4 hộ dân ở xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp với hình thức giao đất, thu tiền, với 5,229 tỷ đồng và thu của 9 hộ dân khác 773 triệu đồng.

Hiện nay, Công ty Sơn Trường không giao được đất nhưng mới trả lại tiền cho các hộ dân được 1,553 tỷ đồng, còn lại hơn 3,9 tỷ đồng đang chiếm dụng.

Việc hợp đồng, giao đất thu tiền của ông Dương Ngọc Chiến với các hộ dân, trong khi đất rừng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn chưa được giao cho Hợp tác xã Hợp Tiến có dấu hiệu tội lừa đảo theo Điều 139, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Thanh tra tỉnh Đắk Nông kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Glong theo chức năng thẩm quyền tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh xử lý đất, rừng theo chức năng.

Bên cạnh việc xử lý về rừng, Thanh tra tỉnh kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Glong phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thanh tra toàn diện tổ chức hoạt động, việc chấp hành quy định của Luật Kế toán, Luật Hợp tác xã trong quản lý tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách.

Thanh tra tỉnh Đắk Nông cũng chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh điều tra dấu hiệu phạm tội được quy định tại Điều 140, 176, 189 Bộ Luật Hình sự năm 1999 đối với một số cá nhân Hợp tác xã Hợp Tiến, Công ty Cổ phần Sơn Trường.

Liên quan đến những sai phạm tại dự án quản lý bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm nghiệp của Hợp tác xã Hợp Tiến, ông Lê Văn Vui, Phó Giám đốc Hợp tác xã khẳng định kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Nông là chưa khách quan và ông đã làm văn bản phản bác. Về việc huy động tiền của người dân, ông Vui lý giải là để góp vốn “làm” dự án.

Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ Hợp Tiến (gọi tắt là Hợp tác xã Hợp Tiến) được thành lập theo Quyết định số 324/QĐ-UBND ngày 18/5/2006 của Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Glong.

Tại thời điểm thành lập, hợp tác xã có 7 xã viên, vốn điều lệ 700 triệu đồng (trong đó có 3 xã viên góp vốn bằng tiền mặt: 370 triệu đồng; 4 xã viên góp vốn bằng đất rẫy: 330 triệu đồng).

Sau khi thành lập hợp tác xã, 4 xã viên góp vốn bằng đất rẫy đã rời khỏi hợp tác xã, còn lại 3 xã viên với vốn điều lệ là 370 triệu đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục