Trước thông tin chiều 25/5 tại Bắc Giang đã phát hiện hơn 300 công nhân dương tính với SARS-CoV-2, trao đổi nhanh với phóng viên TTXVN về việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho công nhân tại các khu vực đóng băng, đại diện Bộ Công Thương cho biết, hơn 300 công nhân này đã nằm trong số 24.000 công nhân theo kịch bản được cung ứng hàng hóa thiết yếu mỗi ngày 75.000 đồng.
Cùng với đó, hiện tại tỉnh Bắc Giang vẫn đang đảm bảo khả năng cung ứng theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, vật tư, thiết bị và nhân lực; linh hoạt triển khai mô hình giãn cách nhiều lớp vừa đảm bảo sản xuất sinh hoạt, vừa đảm bảo phòng chống dịch.
Mặt khác, tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo kế hoạch sản xuất, nhất là việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân trên địa bàn.
Theo đại diện Bộ Công Thương, với diễn biến phức tạp trong đợt dịch thứ 4 này, trọng điểm chống dịch của cả nước tập trung vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy sản xuất kinh doanh, các cơ sở sản xuất, các trung tâm thương mại, chợ truyền thống... Đây là những nơi tập trung đông lao động nhất cả nước.
Chính bởi lẽ đó, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản gửi Ủy ban Nhân dân, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường phòng chống dịch, xử lý nghiêm tình trạng lơ là trong phòng, chống dịch.
[Hỗ trợ hàng vạn công nhân lao động trong tâm dịch vượt qua khó khăn]
Liên quan đến việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh do tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của hệ thống phân phối, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ.
Tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường và đặc biệt các tỉnh đều chủ động triển khai các kế hoạch chống dịch cũng như đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu.
Tại cuộc họp khẩn mới đây của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh rằng, nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện là tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, khách sạn, nhà hàng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn về việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp mạnh tay với các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo phòng, chống dịch; xử lý nghiêm người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ vi phạm quy định.
Mặt khác, lãnh đạo các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, khách sạn, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn phải có cam kết bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nhiệm vụ, giải pháp trong phạm vi được giao.
Trước mắt, từng địa phương quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế, chính sách để phát triển ngành công nghiệp nền tảng, nhất là công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hóa chất, cơ khí, chế tạo, chế biến, công nghiệp điện tử: trong đó, ưu tiên phát triển các ngành sử dụng nguyên liệu, vật liệu có lợi thế tại địa phương.
Đồng thời các địa phương cần có cơ chế trao đổi định kỳ để cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế tại địa phương, kịp thời phối hợp với Bộ Công Thương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc xây dựng các chương trình hành động, chiến lược phát triển công nghiệp và thương mại của địa phương.
Do vậy, các địa phương cần có cơ chế định kỳ hàng quý và hàng năm trao đổi, cung cấp thông tin cho Bộ Công Thương về tình hình phát triển kinh tế tại địa phương, kịp thời phối hợp với bộ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách./.