Đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho các thí sinh giữa hai đợt thi

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định "đã có phương án rất chu đáo cho các trường hợp thi sau này theo hướng an toàn và công bằng cho các thí sinh.”
Thí sinh tìm phồng thi trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. (Ảnh: PM/Vietnam+)
Thí sinh tìm phồng thi trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngay trước kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông vài ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải quyết định tổ chức thi thành hai đợt. Đợt một dành cho thí sinh ở các khu vực ít chịu ảnh hưởng của dịch thi từ ngày 8 đến ngày 10/8. Đợt hai dành cho các thí sinh thuộc diện F1, F2 và thí sinh ở các khu vực đang bị cách ly sẽ lùi lại sau.

Theo thống kê từ các địa phương, số thí sinh phải lùi lại thi sau là 26.168 em ở 20 tỉnh, thành, chiếm tỷ lệ 2,91% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi.

Gần một nửa trong số này là thí sinh Đà Nẵng với gần 11.000 em, Quảng Nam trên 9.000 em, Đắk Lắk gần 5.400 em, Quảng Ngãi 355 em, Lạng Sơn 280 em, Quảng Trị 52 em, Thừa Thiên Huế 18 em...

Đề thi sẽ có độ khó tương đương

Theo phó giáo sư Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương, việc lùi tổ chức thi cho các thí sinh ở khu vực này là cần thiết để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho các em cũng như cộng đồng.  

Tuy nhiên, thí sinh vẫn có quyền được dự thi, được dùng kết quả thi để xét tuyển đại học theo nguyện vọng mà các em đã nung nấu. “Vì vậy, việc tổ chức thi cho thí sinh ở đợt hai là cần thiết. Dù sẽ vất vả hơn cho các thầy cô giáo, cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho các địa phương, nhưng vì quyền lợi thí sinh thì chúng ta vẫn quyết tâm thực hiện,” ông Trinh nói.

Đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho các thí sinh giữa hai đợt thi ảnh 1Đợt một của kỳ thi được tổ chức với các yêu cầu nghiêm ngặt trong phòng, chống dịch. Thí sinh phải đeo khẩu trang khi vào điểm thi. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Trước nhiều ý kiến băn khoăn về việc đề thi của đợt hai sẽ như thế nào, có đảm bảo tính công bằng về độ khó – dễ giữa hai đợt thi, ông Trinh khẳng định đề thi của hai đợt sẽ có mức độ tương đương.

[Thi tốt nghiệp THPT 2020: Chung tay vì một một kỳ thi an toàn]

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục cho hay: “Kỳ thi nào cũng vậy, để đạt yêu cầu mục đích kỳ thi thì phải xây dựng đề thi đáp ứng mục tiêu đó. Để làm được điều đó phải có cấu trúc đề thi thể hiện qua ma trận đề thi. Xuất phát từ ngân hàng câu hỏi phong phú, xây dựng nên đề thi đáp ứng mục đích đề thi. Tới đây, khi tổ chức thi đợt hai, Bộ cũng xuất phát từ cấu trúc đề, ma trận, ngân hàng câu hỏi như đề thi đợt một để xây dựng đề thi có mức độ khó tương đồng,” ông Trinh nói.

Chia sẻ về vấn đề này, giáo sư Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng dựa trên ma trận và ngân hàng câu hỏi, việc ra một đề thi thứ hai có độ khó tương đương đề thi đợt một là việc hoàn toàn có thể làm được.

Theo giáo sư Huỳnh Quyết Thắng, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, bất cứ kỳ thi nào cũng sẽ có hai đề thi, đề thi chính thức và đề thi dự phòng để phòng các trường hợp bất trắc như lộ đề. Vì thế, việc ra các đề thi có độ khó tương đương không khó với các nhà chuyên môn, nhất là khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ngân hàng câu hỏi được xây dựng trong các năm qua.

Đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho các thí sinh giữa hai đợt thi ảnh 2Thí sinh phải sát khuẩn tay trước khi vào điểm thi. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Công bằng trong xét tuyển đại học

Để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh đợt hai trong việc xét tuyển đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn gửi các trường đại học, học viện, cao đẳng sư phạm mầm non trên cả nước, đề nghị các trường trên tinh thần tự chủ tuyển sinh và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, xem xét phân bổ tỷ lệ chỉ tiêu hợp lý và xét tuyển riêng cho các thí sinh chưa tham dự kỳ thi trong các ngày 8-10/8 do COVID-19.

Số chỉ tiêu phân bổ dựa vào tỷ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh thuộc địa phương so với tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh trên cả nước vào trường năm 2020; tỷ lệ thí sinh trúng tuyển của địa phương so với số lượng thí sinh trúng tuyển trên cả nước vào trường các năm trước.

[Trường đại học tính toán “để phần” chỉ tiêu cho thí sinh thi đợt hai]

Thông tin từ các trường đại học cho hay, ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chốt việc tổ chức thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông thành hai đợt, các trường đã thực hiện rà soát và “để dành” chỉ tiêu cho các thí sinh phải thi đợt hai.

Đại học FPT dành tới 800.000 chỉ tiêu cho các thí sinh này. Các trường Đại học Thủy lợi, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Kinh tế quốc dân dù thống kê cho thấy không có nhiều thí sinh ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch như Đà Nẵng, Quảng Nam nhưng cũng vẫn dành chỉ tiêu cho các em.

Hôm nay, thí sinh trên cả nước đã thi môn cuối cùng của đợt một, kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020. Kỳ thi đợt hai chưa biết khi nào mới diễn ra vì còn tùy vào tình hình diễn biến của dịch bệnh.

Nhắn nhủ tới các thí sinh chưa được dự thi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay các em hãy yên tâm thực hiện tốt công tác phòng chống dịch để đảm bảo sức khỏe. “Bộ đã có phương án rất chu đáo cho các trường hợp thi sau này theo hướng an toàn và công bằng cho các thí sinh,” Bộ trưởng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục