Đàm phán hạt nhân Iran: Xuất hiện bất đồng mới vào giờ chót

Sau khi không đạt thỏa thuận vào ngày 9/7 như được chờ đợi, trong đàm phán về hồ sơ hạt nhân của Iran bất ngờ xuất hiện những cáo buộc mới, làm gia tăng nghi ngờ về một kết quả tích cực.
Đàm phán hạt nhân Iran: Xuất hiện bất đồng mới vào giờ chót ảnh 1(Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau khi không đạt thỏa thuận vào ngày 9/7 như được chờ đợi, trong đàm phán về hồ sơ hạt nhân của Iran bất ngờ xuất hiện những cáo buộc mới, làm gia tăng nghi ngờ về một kết quả tích cực khi ngoại trưởng Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) cùng với Iran nối lại đàm phán vào sáng 10/7 tại Vienna, Áo.

Hãng AFP dẫn lời một quan chức cấp cao trong phái đoàn Iran, theo đó Tehran cáo buộc các nước phương Tây đã thay đổi quan điểm trong đàm phán, quay trở lại các nội dung của thỏa thuận khung hồi tháng Tư tại Lausanne, Thụy Sĩ.

Ngoài ra, phía Iran còn phàn nàn rằng P5+1 đã không thể hiện một quan điểm thống nhất trong đàm phán, mỗi nước đều đưa ra yêu cầu của riêng mình khiến cuộc đàm phán không mang tính chất đa phương mà giống với 5 cuộc đàm phán song phương ghép lại.

Quan chức Iran cũng nhắc lại rằng một trong những khác biệt lớn trong quan điểm của Nhóm P5+1 là về biện pháp trừng phạt Iran: Trung Quốc và Nga ủng hộ yêu cầu của Tehran được dỡ bỏ ngay lệnh trừng phạt, trong khi các nước còn lại muốn gắn việc dỡ bỏ với tiến trình Tehran thực hiện cam kết.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các lãnh đạo phương Tây khác cáo buộc Iran đã không thực hiện những quyết định chính trị quyết liệt để thu hẹp chương trình hạt nhân của mình.

Ông Kerry thậm chí cảnh báo sẽ rời bàn thương lượng, chấm dứt đàm phán nếu không sớm đạt được một thỏa thuận đủ “tốt.”

Theo luật pháp Mỹ, nếu đến hết ngày 9/7 (giờ Mỹ, tức ngày 10/7 theo giờ Việt Nam) các bên đàm phán không đi đến được một thỏa thuận, Quốc hội Mỹ sẽ phải dành ra 60 ngày tranh luận và trong thời gian đó, Tổng thống Barack Obama sẽ không thể đưa ra quyết định dỡ bỏ trừng phạt đối với Iran. Còn trong trường hợp đạt thỏa thuận, thời gian Quốc hội xem xét chỉ còn 30 ngày.

Theo nguồn tin của hãng thông tấn TASS (Nga), trong ngày 9/7 các bên đã thống nhất được tới 98% nội dung thỏa thuận cuối cùng, trong đó, đại diện cả 6 nước P5+1 sẽ tham gia công ty tài chính phụ trách việc tháo dỡ lò phản ứng tại thành phố Araq của Iran, ngoài ra có thể có thêm các đại diện khác. Một quyết định khác cũng đã được nhất trí là mô hình di chuyển số urani làm giàu thấp của Iran sang Nga để đổi lấy urani tự nhiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.