Ngày 11/2, đại diện các phe phái trong Quốc hội Libya đã lần đầu tiên cùng có mặt tại cuộc đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc làm trung gian nhằm tìm giải pháp chấm dứt tình trạng bất ổn kéo dài nhiều tháng qua tại quốc gia Bắc Phi này.
Theo Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL), đại diện các chính đảng có chân trong cơ quan lập pháp của Libya đã tới thành phố Ghadames, miền Tây nước này để tham gia vòng đối thoại chính trị.
Ông Bernardino Leon - Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Libya, đồng thời là người đứng đầu UNSMIL cũng tham gia vòng đối thoại.
Trước đó, hôm 9/2, đại diện Liên hợp quốc đã thông báo cuộc đàm phán này sẽ diễn ra tại Libya song không công bố địa điểm chính xác cũng như thời gian hay thành phần tham dự vì lý do an ninh.
Hồi tháng trước, đàm phán về hòa bình Libya đã diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ) song Liên minh Hồi giáo Fajr Libya (Bình minh Libya), vốn giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ mùa Hè năm ngoái, đã không cử đại diện chính thức.
Ba năm sau làn sóng chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya vẫn đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng và bế tắc chính trị với sự tồn tại của hai chính phủ, hai quốc hội.
Hiện tại Fajr Libya đang chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ riêng, trong khi chính phủ được quốc tế công nhận và quốc hội dân bầu của Libya đã phải rời trụ sở về thành phố Al-Beida, cách thủ đô Tripoli 1.200km, sau khi từng tạm hoạt động tại các thị trấn Tobruk và Shohat ở cực Đông đất nước.
Liên quan đến tình hình bạo lực tại Libya, trong báo cáo gửi tới Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 10/2, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Zeid Raad al-Hussein khẳng định tất cả các phe phái ở Libya đều vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, từ việc tiến hành các vụ tấn công đẫm máu nhằm vào dân thường tới việc hành quyết, bắt cóc và tra tấn.
Theo báo cáo trên, Libya đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất và tình trạng leo thang bạo lực kể từ khi nhà độc tài Muammar Gadhafi bị lật đổ hồi năm 2011.
Ông al-Hussein nêu rõ ở Libya, hiện tồn tại song song hai chính phủ mà cả hai đều tuyên bố là hợp pháp, "trong khi các nhóm vũ trang đầy quyền lực kiểm soát 'triệt để' trên thực địa, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế mà không bị trừng phạt."
Theo ông al-Hussein, hệ thống tư pháp ở Libya liên tục bị tấn công và không thực hiện đúng chức trách tại nhiều khu vực ở nước này.
Ước tính bạo lực đã khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng và hơn 100.000 người Libya phải rời bỏ nhà cửa./.