Ngày 7/3, kênh truyền hình Al-Qahera News đưa tin phái đoàn của Phong trào Hồi giáo Hamas đã rời thủ đô Cairo (Ai Cập) sau khi không đạt được đột phá nào trong vòng đàm phán giữa phong trào này và các nhà trung gian hòa giải về lệnh ngừng bắn đối với cuộc xung đột giữa Hamas và Israel ở Dải Gaza.
Al-Qahera News dẫn lời một quan chức cấp cao xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết đàm phán sẽ tiếp diễn vào tuần tới, song không nêu rõ thời gian cụ thể.
Cuộc đàm phán lần này không có sự tham gia của phái đoàn Israel. Mặc dù vậy, phái đoàn Hamas cùng các nhà hòa giải từ Ai Cập, Qatar và Mỹ đã và đang nỗ lực hết sức để đạt được lệnh ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 5 tháng qua ở Dải Gaza.
Theo đề xuất thỏa thuận, các bên tham gia đàm phán nỗ lực hướng đến một lệnh ngừng bắn kéo dài ít nhất 6 tuần, tạo điều kiện để Hamas trả tự do các con tin còn lại bị bắt giữ ở Gaza và Israel trả tự do cho hàng trăm tù nhân người Palestine.
Về nỗ lực của cộng đồng quốc tế viện trợ cho người dân đang thiếu thốn ở Gaza, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này cung cấp viện trợ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay cho người dân ở dải đất ven biển Địa Trung Hải.
Gói viện trợ này được thực hiện thông qua Hội Trăng Lưỡi liềm Đỏ Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng 3.000 tấn hàng viện trợ gồm lương thực, thực phẩm, thuốc men và trang thiết bị y tế đã rời Thổ Nhĩ Kỳ và đang trên đường đến cảng Al-Arish của Ai Cập.
Trên mạng xã hội X, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Cairo, ông Salih Mutlu Sen nhấn mạnh số hàng viện trợ này sẽ giúp hỗ trợ người dân Palestine ở Gaza trong dịp tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo mà năm nay bắt đầu vào ngày 10/3.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp hàng nghìn tấn hàng viện trợ cho người dân Gaza, đồng thời không ngừng kêu gọi một lệnh ngừng bắn ở dải đất ven biển này. Ankara cũng cảnh báo những hệ quả nếu các bên không đạt được thỏa thuận ngừng bắn trước khi bắt đầu tháng lễ Ramadan.
Theo đánh giá của các tổ chức viện trợ quốc tế của Liên hợp quốc, tình hình nhân đạo ở Dải Gaza đang ngày càng trầm trọng, đặc biệt là ở phía Bắc. Trong khi đó, nhiều tổ chức quốc tế không thể thực hiện được các hoạt động viện trợ do điều kiện an ninh.
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) ngày 5/3 thông báo cơ quan này đã không thành công trong việc tìm cách khôi phục các hoạt động phân phối hàng cứu trợ cho người dân Palestine ở Dải Gaza hiện đang bên bờ vực nạn đói.
Mặc dù vậy, những nỗ lực viện trợ nhân đạo cho Gaza vẫn được triển khai. Các nước gồm Mỹ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập đã thả hàng viện trợ nhân đạo bằng đường hàng không xuống cho người dân ở phía Bắc Gaza./.
Xung đột Hamas-Israel: Đàm phán tại Cairo không đạt được đột phá
Một thủ lĩnh cấp cao của Hamas cho rằng “Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không muốn đạt thỏa thuận và quả bóng hiện nằm ở phía Mỹ.”