Cuộc đàm phán đa phương giữa các bộ trưởng thương mại của 12 quốc gia thành viên tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang diễn ra phức tạp, với những vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận thị trường và quyền sở hữu trí tuệ, thuế quan vẫn chưa được giải quyết.
Bộ trưởng chính sách kinh tế và tài chính Nhật Bản Akira Amari, người thay mặt “xứ hoa anh đào” tham gia đàm phán TPP, cho biết ngày 31/7, cuộc thương thảo về TPP tại Hawaii (Mỹ) đã phải hoãn lại trong một vài tiếng đồng hồ do những bất đồng sâu sắc giữa các nước về vấn đề bảo vệ sự độc quyền của các loại thuốc dược phẩm.
Trong khi phía Mỹ yêu cầu thời gian bảo vệ là 12 năm thì Australia và một số quốc gia khác lại chỉ muốn 5 năm.
Đây được cho là vấn đề nan giải nhất đang cản bước tiến của TPP. Theo Bộ trưởng Amari, các nhà đàm phán TPP dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận “thâu đêm” để đưa cuộc đàm phán đến hồi kết, song nhà lãnh đạo này cũng không dám chắc liệu các bên sẽ đạt được một thỏa thuận hay không.
Ngoài các cuộc đàm phán đa phương thì đàm phán song phương cũng đã diễn ra để giải quyết các vướng mắc còn tồn tại.
Trong đó, điển hình là cuộc gặp ngày 30/7 giữa Mỹ và Nhật Bản, hai nền kinh tế chiếm đến 80% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối các nước tham gia đàm phán TPP.
Trong cuộc gặp này, phía Tokyo được cho là đã chấp nhận mở cửa thị trường nông sản trong nước bằng cách chấp nhận giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng lúa mì của Mỹ và một số quốc gia khác.
Trong khi đó, đường cũng là một mặt hàng gây nhiều tranh cãi trong đàm phán TPP.
Tuy vẫn còn nhiều bất đồng, song Mỹ và Nhật Bản đều tỏ ra quan ngại về những tác động tiêu cực của việc mở cửa thị trường đường đối với những nhà sản xuất nội địa khi TPP được ký kết.
Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước gồm Nhật Bản, Brunei, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Chile, Peru và Mỹ.
Các nước tham gia đàm phán đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thoả thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013.
Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% tổng sản lượng kinh tế thế giới./.