Đàm phán về quan hệ giữa Serbia-Kosovo thất bại

Cuộc đàm phán về thực hiện thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa CH Serbia và tỉnh ly khai Kosovo, diễn ra ngày 8/5 đã thất bại.
Cuộc đàm phán về thực hiện thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Cộng hòa Serbia và tỉnh ly khai Kosovo, diễn ra ngày 8/5 tại thủ đô Brussels (Bỉ), đã thất bại do đại diện Pristina rời khỏi bàn đàm phán để phản đối lập trường của phái đoàn Belgrade.

Trưởng phái đoàn Serbia, ông Marko Djurich đã đưa ra thông báo trên, đồng thời cho biết mặc dù phía Serbia đã rất nỗ lực và thiện chí, song cuộc đàm phán kéo hai ngày này vẫn không gặt hái được thành công.

Ông Djurich kêu gọi phái đoàn Kosovo nối lại cuộc đối thoại trong thời gian sớm nhất, bởi đây là con đường duy nhất để thực hiện những thỏa thuận mà hai bên đã đạt được trước đó.

[QH Serbia thông qua bình thường hóa với Kosovo]

Theo nguồn tin ngoại giao tại Brussels, vấn đề chính trong cuộc đàm phán này là phía Pristina yêu cầu giải thể hoàn toàn những thể chế chính quyền của người Serbia tại khu vực miền Bắc Kosovo, cũng như tiến hành kiểm tra nghiệp vụ của các quan tòa và công tố viên của Serbia đang hoạt động tại khu vực này theo yêu cầu của luật pháp Kosovo.

Nguồn tin trên cũng cho biết, trên thực tế, Serbia bị yêu cầu thực hiện xong 95% thỏa thuận đã đạt được, thì phía Pristina mới có động thái tương tự.

Trước đó, dưới sự trung gian của Liên minh châu Âu (EU), ngày 19/4, tại Brussels, trong vòng đàm phán thứ 10 giữa Belgrade và Pristina về bình thường hóa quan hệ song phương, Thủ tướng Cộng hòa Serbia Ivica Dacic và người đứng đầu chính quyền tỉnh ly khai Kosovo Hashim Thaci đã ký tắt văn bản thỏa thuận về quy chế cộng đồng thiểu số Serbia (khoảng 40.000 người) đang sinh sống tại miền Bắc Kosovo.

Quốc hội Serbia và Cơ quan lập pháp Kosovo đã thông qua thỏa thuận này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.