Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini ngày 20/11 tuyên bố cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran đã bước vào giai đoạn quyết định.
Iran sẽ phải đưa ra một quyết định chiến lược nếu không muốn cuộc đàm phán bị đổ vỡ.
Từ ngày 20/11, tại thủ đô Vienna của Áo, Ngoại trưởng Iran Javad Jarif đã tiến hành đàm phán ba bên với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và đại diện đàm phán của EU Catherine Ashton.
Trong ngày 21/11, dự kiến ngoại trưởng hai nước Pháp và Anh cũng sẽ tới tham gia các cuộc tham vấn. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga, nước đóng một trong những vai trò then chốt của cuộc đàm phán này, hiện vẫn chưa có mặt tại Vienna.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov, trưởng đoàn đàm phán của Nga, quyết định sẽ chỉ được đưa ra vào "phút chót," phụ thuộc vào kết quả các cuộc thương lượng đang diễn ra tại Vienna.
Bên cạnh đó, ông Ryabkov cho biết hiện cuộc đàm phán vẫn đang rất căng thẳng, và có lẽ cần phải có một "động lực" nếu muốn đạt thỏa thuận trước thời hạn chót 24/11.
Ông cũng nêu rõ bỏ lỡ cơ hội ký kết thỏa thuận sẽ là sai lầm và gây ra hậu quả phức tạp. Đại diện Nga thông báo hiện chưa có bên nào đề cập đến việc gia hạn đàm phán, cũng như phủ nhận phương án dự phòng ký thêm một thỏa thuận tạm thời.
Sau cuộc đàm phán với Iran ngày 20/11, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng xác nhận hai bên không đề cập đến khả năng gia hạn ký kết.
Về phần Iran, mặc dù có rất nhiều lời kêu gọi nên mềm mỏng từ phía Liên hợp quốc cũng như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), nhưng ngày 20/11, Tehran tuyên bố từ chối yêu cầu của IAEA và sẽ không cho phép bất cứ cuộc thanh sát "đặc biệt" nào tại cơ sở hạt nhân chủ chốt ở Parchin của nước này.
Trong lúc này, một số nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán cho biết thời hạn chót để ký kết thỏa thuận lâu dài về hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức) có thể phải gia hạn đến tháng 3/2015 do không thể giải quyết được bất đồng giữa các bên đàm phán.
Tuy nhiên, việc gia hạn nếu có này sẽ cần phải qua một thủ tục ủy nhiệm mới, và vẫn không thể thiếu được một thỏa thuận giữa Iran và Nhóm P5+1.
Hiện Iran và Nhóm P5+1 đang căng thẳng với nhau trong hai vấn đề gồm hoạt động làm giàu urani của Iran và tốc độ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Tehran.
Phương Tây muốn Iran giảm một nửa số máy ly tâm làm giàu urani nước này hiện có, và đổi lấy sự cắt giảm trên, Tehran đòi phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran./.