Cảnh sát Đan Mạch ngày 4/2 cho biết nhà chức trách nước này đã trục xuất 2 nhân viên Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc sau khi kết quả thanh tra tại văn phòng công ty này ở thủ đô Copenhagen cho thấy họ không tuân thủ các quy định về giấy phép lao động và cư trú.
Hoạt động thanh tra trên được tiến hành trong khuôn khổ cuộc điều tra thường kỳ của nhà chức trách Đan Mạch đối với các công ty có nhiều người lao động nước ngoài.
Trong đợt thanh tra này, 4 nhân viên của Huawei bị cáo buộc phạm luật, trong đó 2 người bị trục xuất khỏi Đan Mạch. Tuy nhiên, cảnh sát không nêu rõ các nhân viên này có phải là người Trung Quốc hay không.
Cũng theo cảnh sát Đan Mạch, cuộc thanh tra này không liên quan tới những vụ việc dư luận chú ý và những cáo buộc gần đây xung quanh Huawei.
[Vấn đề Huawei: Thế tiến thoái lưỡng nan của doanh nghiệp châu Âu]
Bộ Tư pháp Mỹ mới đây đã công bố 2 bản cáo trạng với tổng cộng 23 tội danh chống lại Huawei, các công ty con của tập đoàn này cũng như Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu, trong đó có các cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại, gian lận ngân hàng, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, lừa dối Chính phủ liên bang Mỹ và cản trở pháp lý.
Huawei là nhà cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các thiết bị thông tin hàng đầu thế giới, trong đó có mạng không dây thế hệ mới 5G.
Huawei đã đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ này, chủ yếu cạnh tranh với hãng Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan.
Tuy nhiên, Mỹ, Anh và nhiều nước khác đã cảnh báo về các nguy cơ an ninh từ công nghệ của Huawei, điều mà Huawei luôn bác bỏ.
Tháng 12/2018, cảnh sát Canada đã bắt giữ Giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ.
Trung Quốc cáo buộc Washington "hành xử kiểu bắt nạt," sau khi chính quyền Mỹ xác nhận sẽ yêu cầu Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ xét xử./.