Đan Mạch và Đức tiếp tục tài trợ vũ khí cho Ukraine

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố nước này cam kết tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, còn Đan Mạch tuyên bố nước này sẽ giải ngân 194 triệu USD củng cố kho vũ khí của Ukraine.

Binh sỹ Ukraine tham gia huấn luyện trên pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard do Đức sản xuất tại Kiev, ngày 26/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sỹ Ukraine tham gia huấn luyện trên pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard do Đức sản xuất tại Kiev, ngày 26/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 29/9, Bộ Quốc phòng Đan Mạch tuyên bố nước này sẽ giải ngân 1,3 tỷ kroner (194 triệu USD) để hỗ trợ Ukraine củng cố kho vũ khí vốn đang chịu áp lực lớn do cuộc xung đột ở nước này.

Tuyên bố nêu rõ số vũ khí và trang thiết bị được hỗ trợ này sẽ được sản xuất tại Ukraine, nhưng sẽ được tài trợ thông qua khoản tiền giải ngân của Đan Mạch.

Ngoài việc tài trợ vũ khí cho Ukraine, Đan Mạch, quốc gia vốn ủng hộ Ukraine kể từ khi cuộc xung đột giữa nước này và Nga bắt đầu nổ ra hồi năm 2022, cũng đã thông báo việc thành lập trung tâm phòng thủ chung tại Kiev nhằm hỗ trợ phát triển các mối quan hệ đối tác mới.

Đầu năm nay, Đan Mạch đã ký thỏa thuận về đảm bảo an ninh kéo dài 10 năm với Ukraine, sau những thỏa thuận tương tự của Đức, Anh và Pháp.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu trên các phương tiện truyền thông của nước này cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố nước này cam kết tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine.

Tuy nhiên, bà Annalena Baerbock cho biết Chính phủ Đức không ủng hộ đề xuất cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine.

Đức là nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, sau Mỹ. Hiện Đức đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì liên tục không đạt được mục tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là chi 2% GDP cho quốc phòng.

Nguồn dự trữ của lực lượng vũ trang Đức, vốn đã thiếu hụt do bị hạn chế đầu tư trong nhiều thập kỷ, lại càng cạn kiệt do cung cấp vũ khí cho Kiev./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.