Đảng đối lập Ba Lan kiện chính phủ về luật sửa đổi gây tranh cãi

Đảng Cương lĩnh Công dân đối lập ở Ba Lan tuyên bố sẽ kiện chính phủ về việc ban hành luật sửa đổi gây tranh cãi liên quan tới Tòa án Hiến pháp nước này.
Đảng đối lập Ba Lan kiện chính phủ về luật sửa đổi gây tranh cãi ảnh 1Đại diện đảng Cương lĩnh Công dân đối lập ở Ba Lan, Borys Budka. (Nguồn: polskieradio)

Ngày 29/12, đảng Cương lĩnh Công dân đối lập ở Ba Lan tuyên bố sẽ kiện chính phủ về việc ban hành luật sửa đổi gây tranh cãi liên quan tới Tòa án Hiến pháp nước này.

Phát biểu trước báo giới sau khi nộp đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp Ba Lan, đại diện đảng này, nghị s​ỹ Borys Budka cho rằng luật sửa đổi đã được thông qua một cách quá gấp gáp, vi phạm mọi quy trình nghị viện và đặc biệt là vi phạm Hiến pháp nước này.

Phe đối lập cũng cho rằng văn kiện này sẽ làm tê liệt và khiến Tòa án Hiến pháp Ba Lan không thể hoạt động như một cơ quan giám sát tính hợp hiến của các quyết định do chính phủ cánh hữu mới cầm quyền tại nước này đưa ra.

Hôm 28/12 vừa qua, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã ký ban hành luật cải tổ Tòa án Hiến pháp trong đó có điều khoản yêu cầu các vụ kiện phải do một ban hội thẩm gồm ít nhất 13 trong số 15 thẩm phán của tòa án tham gia xét xử.

Một điều khoản khác lại yêu cầu phán quyết của tòa phải nhận được 2/3 tỷ lệ ủng hộ mới có hiệu lực, nhiều hơn mức đa số tương đối hiện nay.

Giới quan sát cho rằng các phán quyết của tòa án khó thực hiện vì hầu như sẽ không thể đạt được tỷ lệ như yêu cầu trên trong hầu hết các vấn đề.

Đạo luật trên được ban hành giữa lúc dư luận trong và ngoài nước chỉ trích mạnh mẽ khi cho rằng đây là động thái của chính phủ nhằm vô hiệu hóa Tòa án Hiến pháp.

Người phát ngôn của chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) cũng cho biết EC đang xem xét những thay đổi trên của Ba Lan một cách thận trọng.

Hồi tuần trước, Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans cũng đã gửi thông báo yêu cầu Ba Lan hoãn triển khai điều luật cho tới khi mọi khúc mắc được giải quyết một cách hợp lý. Dự kiến, vấn đề này sẽ được EC đưa ra thảo luận ngày 13/1 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.