Đảng đối lập chính ở Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu hủy kết qủa trưng cầu ý dân

Đảng Dân chủ Nhân dân - đảng đối lập chính ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17/4 đã yêu cầu hủy bỏ kết quả cuộc trưng cầu ý dân về kế hoạch sửa đổi Hiến pháp một ngày trước đó.
Đảng đối lập chính ở Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu hủy kết qủa trưng cầu ý dân ảnh 1Những người ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan míttinh sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, tại Ankara ngày 16/4. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Đảng Dân chủ Nhân dân (PDP) - đảng đối lập chính ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17/4 đã yêu cầu hủy bỏ kết quả cuộc trưng cầu ý dân về kế hoạch sửa đổi Hiến pháp một ngày trước đó mà chiến thắng thuộc về lực lượng ủng hộ Tổng thống Tayyip Erdogan.

Phó Chủ tịch PDP, ông Bulent Tezcan bày tỏ nghi ngờ khả năng nhiều phiếu bầu đã bị can thiệp. Ông cho rằng những tranh cãi sẽ còn kéo dài, do đó cần hủy bỏ kết quả bầu cử để tránh những quan ngại của người dân. Ông cảnh báo trong trường hợp cần thiết sẽ kiện lên Tòa án Hiến pháp Tối cao của Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những thể chế mà theo dự luật sửa đổi Hiến pháp, Tổng thống Erdogan có thể sẽ nắm quyền kiểm soát thông qua việc bổ nhiệm những thành viên.

Theo hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ cử tri ủng hộ sửa đổi Hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân đạt 51,41% sau khi 99% số phiếu được kiểm. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 86%. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã chúc mừng lãnh đạo các đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, Phong trào Dân tộc Chủ nghĩa (MHP) và đảng Đại Thống nhất (BBP) cực hữu về chiến thắng này.

Trong một tuyên bố cùng ngày, văn phòng Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi tất cả các phe phái chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ đối thoại để giải quyết bất đồng. Tuyên bố của Pháp nêu rõ kết quả cuộc trưng cầu cho thấy xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đang chia rẽ sâu sắc về kế hoạch cải cách sâu rộng được định trước, song chỉ có bản thân người dân Thổ Nhĩ Kỳ mới biết họ cần tổ chức bộ máy chính trị như thế nào. Trong khi đó, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định trước báo giới ngày 17/4 rằng kết quả cuộc trưng cầu ý dân về kế hoạch sửa đổi Hiến pháp cần phải được tôn trọng và đây là vấn đề nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ.

[Trưng cầu ý dân sửa đổi Hiến pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ: Con dao hai lưỡi]

Cũng trong ngày 17/4, một quan chức đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền cho biết AKP sẽ đề nghị Tổng thống Erdorgan tái gia nhập đảng này sau ngày 27-28/4 tới - thời điểm kết quả chính thức của cuộc trưng cầu được công bố. Việc ông Erdorgan trở lại tư cách thành viên của AKP được quy định rõ trong văn kiện dự thảo luật sửa đổi Hiến pháp vừa được người dân Thổ Nhĩ Kỳ thông qua. Năm 2014, sau khi đắc cử Tổng thống, ông Erdogan buộc phải cắt đứt quan hệ với đảng AKP theo quy định của Hiến pháp hiện hành.

Theo dự luật sửa đổi Hiến pháp vừa được người dân Thổ Nhĩ Kỳ thông qua, ông Tayyip Erdogan, người sáng lập AKP năm 2001, có thể tìm kiếm thêm 2 nhiệm kỳ theo quy định mới, sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2019. Dự luật cũng cho phép Tổng thống được ban hành các sắc lệnh, ban bố tình trạng khẩn cấp, bổ nhiệm các quan chức nhà nước cấp cao và giải tán Quốc hội. Những người ủng hộ coi dự luật này là sự bảo đảm cho sự ổn định chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn biến động hiện nay, trong khi phe đối lập tố cáo đây là hành động thâu tóm quyền lực của Tổng thống Erdogan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.