Đằng sau cuộc tập trận chung trên biển của hải quân Nga-Ấn

Chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov cho biết hệ thống laser chiến đấu Peresvet của quân đội Nga được đưa vào tập trận chung Nga-Ấn có khả năng ngăn chặn tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk của Mỹ.
Đằng sau cuộc tập trận chung trên biển của hải quân Nga-Ấn ảnh 1Hình ảnh hệ thống vũ khí laser Peresvet. (Nguồn: The Moscow Times)

Theo trang mạng express.co.uk/TTXVN, đội tàu hải quân Nga - gồm tàu tuần tra tên lửa Varyag, tàu khu trục Admiral Panteleyev và tàu tiếp nhiên liệu Boris Butoma - ngày 9/12 đã cập cảng Visakhapatnam (miền Đông Ấn Độ) để tham gia cuộc tập trận chung trên biển với hải quân Ấn Độ mang tên "Indra Navy 2018", diễn ra từ ngày 9-16/12.

Mục đích chính của cuộc tập trận, vốn được khởi động từ năm 2003, là nhằm tăng cường lòng tin và khả năng phối hợp tác chiến giữa các lực lượng hải quân hai nước, nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau và những quy trình triển khai chiến dịch an ninh hàng hải.

Thông cáo báo chí của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga nêu rõ: "Hôm nay (ngày 9/12), một chi đội tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương (Nga) đã cập cảng Vishakhapatnam của Ấn Độ thuộc bang Andhra Pradesh.

Để tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng giữa Hải quân Nga và Hải quân Ấn Độ, cuộc tập trận hải quân chung Nga-Ấn được lên kế hoạch có tên Indra Navy 2018 sẽ diễn ra trong chuyến thăm này."

Sau đó, chỉ huy biệt đội của Nga thăm các chính quyền quân sự và dân sự địa phương. Chi đội tàu chiến của Nga rời Ấn Độ vào ngày 16/12.

[Các lực lượng Tên lửa Nga sẽ xem xét việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF]

Cuộc tập trận là một dấu mốc nữa của sự hợp tác an ninh hàng hải ngày càng gia tăng giữa các lực lượng hải quân hai nước, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai quốc gia.

Tham gia diễn tập, lực lượng hải quân Ấn Độ huy động tàu khu trục tên lửa dẫn đường INS Ranvir, khinh hạm tự chế INS Satpura, tàu hộ vệ chống ngầm tự chế INS Kadmatt và một số tàu khác cùng các máy bay trực thăng và chiến đấu.

Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, cuộc tập trận diễn ra theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 diễn ra tại cảng Visakhapatnam từ 9-12/12, bao gồm các hoạt động tương tác nghiệp vụ, họp bàn kế hoạch, giao lưu văn hóa, thể thao và hội đàm chính thức giữa các sỹ quan cấp cao.

Giai đoạn 2 diễn ra tại vịnh Bengal từ ngày 13-16/12, được tiến hành với các nội dung chính là tác chiến chống ngầm, diễn tập phòng vệ, khám xét và thu giữ trên tàu cũng như các hoạt động chiến thuật.

Tham gia cuộc diễn tập bên phía Ấn Độ có tàu khu trục tên lửa dẫn đường INS Ranvir, khinh hạm tự chế INS Satpura, tàu hộ vệ chống ngầm tự chế INS Kadmatt và một số tàu khác cùng các máy bay trực thăng và chiến đấu.

Cuộc tập trận kéo dài một tuần này có sự tham gia của khoảng 500 binh sỹ Nga và Ấn Độ, phương tiện sử dụng trong cuộc tập trận do phía Ấn Độ cung cấp. Nikolai Voskresensky, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Nga cho biết: "Máy bay vận tải của Nga Il-76 đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Gwalior của Ấn Độ.

Sau đó, các binh sỹ Nga được đưa đến khu vực diễn tập Babin thuộc bang Uttar Pradesh ở Tây Bắc Ấn Độ bằng đường bộ. Phía chủ nhà cũng tổ chức một buổi đón tiếp trọng thể các đối tác Nga theo nghi thức truyền thống Ấn Độ."

Tuần trước, có thông tin cho rằng Nga đã cho triển khai một loại vũ khí laser mới ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo người đồng cấp Mỹ Donald Trump về nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang nếu Washington quyết định rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Theo Krasnaya Zvezda, tờ báo chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, Tổ hợp laser Peresvet đã được đưa vào thực hiện nhiệm vụ "trực chiến thử nghiệm" tại thực địa từ ngày thứ Bảy (1/12) vừa qua.

Các binh sỹ đã được huấn luyện về cách thức sử dụng loại vũ khí này tại Học viện Không quân Mozhaysky ở St Pertersburg và trang thiết bị liên quan đã được bàn giao cho các đơn vị từ năm 2017.

Moskva cho biết Peresvet hoạt động dựa trên các nguyên tắc vật lý mới có khả năng phá hủy các mục tiêu chỉ "trong nháy mắt." Tổ hợp Laser này đã được ông Putin giới thiệu vào ngày 1/3 vừa qua khi có bài phát biểu trước Hội đồng Liên bang.

Theo chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov được Đài Sputnik dẫn lời cho biết hệ thống laser chiến đấu Peresvet của quân đội Nga có khả năng ngăn chặn tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk của Mỹ.

Ông nhấn mạnh: "Nhờ laser, Peresvet có thể đối phó hiệu quả với phương tiện tấn công đường không hiện đại, vũ khí có độ chính xác cao hoặc thiết bị trinh sát sử dụng thiết bị quang điện tử."

Những lo ngại về một cuộc chạy đua hạt nhân khác lại bùng phát sau khi chính quyền Trump đe dọa rút khỏi một hiệp ước hạt nhân với Nga. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 4/12 đã nói rằng Mỹ "sẽ rút khỏi INF ký năm 1987 nếu chính quyền Nga không tuân thủ thỏa thuận này một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng trong vòng 60 ngày."

Đáp lại, ông Putin đã khẳng định rằng trong trường hợp Mỹ rút khỏi INF, Moskva sẽ bắt đầu phát triển một loại vũ khí hạt nhân tầm trung mới.

Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng ông "phản đối sự phá hoại hiệp ước này" mặc dù có cùng quan điểm với ông Trump rằng INF đang "trói tay" Nga và Mỹ, trong khi các nước khác lại có thể thoải mái phát triển vũ khí mà không bị ràng buộc bởi INF./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.