Đằng sau sự lặng lẽ của Tổng thống Putin thời COVID-19

Trước khi “ẩn mình” tại khu nghỉ dưỡng tại ngoại ô Moskva, ông Putin đã chuyển trách nhiệm giải quyết khủng hoảng cho các thống đốc vùng.
Đằng sau sự lặng lẽ của Tổng thống Putin thời COVID-19 ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp trực tuyến tại Moskva, Nga ngày 13/4. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng asiatimes.com, Điện Kremlin đang có những động thái bất thường trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) lây lan diện rộng, với việc Tổng thống Vladimir Putin có vẻ như đang buông lỏng quyền lực tối cao.

Lựa chọn đứng ngoài cuộc khủng hoảng, ông Putin - người luôn nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước với phong cách lãnh đạo cứng rắn - đã tỏ ra khá lặng lẽ.

Dường như ông cũng không quá lo ngại về mối đe dọa của COVID-19. Trong bài phát biểu liên bang, ông Putin thậm chí còn tránh nhắc đến các biện pháp “phong tỏa,” thay vào đó tuyên bố rằng “kỳ nghỉ kéo dài” sẽ được gia hạn tới hết tháng 4/2020.

[Tổng thống Putin: Nga hoàn toàn kiểm soát được đại dịch COVID-19]

Thiếu sự chỉ đạo rõ ràng từ Kremlin, Thủ tướng Mikhail Mishutin, người thay thế nhân vật từng “ghép cặp” với ông Putin suốt một thời gian dài Dmitry Medvedev hồi tháng 1/2010 - cũng tránh việc triển khai các biện pháp cách ly trên cả nước.

Trước khi “ẩn mình” tại khu nghỉ dưỡng tại ngoại ô Moskva, ông Putin đã chuyển trách nhiệm giải quyết khủng hoảng cho các thống đốc vùng.

Giới chức đã rất ngạc nhiên khi ông Putin “trao quyền” cho các địa phương, để họ tự quyết định các biện pháp phòng ngừa mà họ cho là phù hợp với từng vùng lãnh thổ, miễn là đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người dân, đảm bảo các hạ tầng then chốt và sự ổn định của nền kinh tế.

Họ ngạc nhiên bởi tất những điều này hoàn toàn đối lập với chính sách suốt nhiều năm của Kremlin, vốn dựa trên nguyên tắc quyền lực tập trung.

Đằng sau sự lặng lẽ của Tổng thống Putin thời COVID-19 ảnh 2Theo quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người dân Nga được tiếp tục nghỉ làm nhưng vẫn nhận lương đến hết tháng 4/2020. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Mọi chuyện càng đáng chú ý hơn khi tình hình dịch COVID-19 tại quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới này ngày càng nghiêm trọng.

Cuối tháng 3/2020, mỗi ngày Nga ghi nhận trung bình chưa đến 100 ca lây nhiễm mới. Và giờ, hàng nghìn trường hợp mắc bệnh được phát hiện thêm sau mỗi ngày, cho thấy Nga vẫn còn lâu mới có thể kiểm soát được đại dịch này và các cơ sở y tế của Nga có thể sẽ trở nên quá tải.

Lý do nào có thể lý giải cho sự vắng mặt của ông Putin?

Một số nhà phân tích cho rằng có thể ông lo ngại việc áp dụng các biện pháp phong tỏa và cách ly không được lòng dân sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ ủng hộ của ông, hiện đã giảm xuống mức 63% - mức thấp nhất từ năm 2013.

Grigory Golosov, Giáo sư ngành chính trị so sánh tại trường Đại học châu Âu Saint Petersburg, bình luận: “Khi tất cả các giải pháp khả thi cho một vấn đề nhất định có rủi ro quá cao, ông Putin muốn giới hạn vai trò của mình ở mức tối thiểu.”

Tuy nhiên, lại có những ý kiến khác. Nhà phân tích chính trị Tatyana Stanovaya, làm việc tại Trung tâm Carnegie Moskva, cho rằng việc Putin hạn chế dính líu tới các biện pháp xử lý khủng hoảng COVID-19 không liên quan tới lo ngại về sự ủng hộ của dư luận.

Thay vào đó, bà cho rằng ông Putin không coi việc giải quyết một cuộc khủng hoảng về y tế là trách nhiệm của tổng thống, rằng đó chỉ là “những nhiệm vụ phi chính trị thông thường.”

Dù vậy, thiếu sự chỉ đạo cụ thể từ cấp trung ương đang là nguyên nhân khiến các lãnh đạo vùng chịu gấp đôi sức ép. Trước hết, họ phải lựa chọn giữa việc áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và chấp nhận đánh đổi bằng hoạt động của các doanh nghiệp địa phương, hay tiếp tục mở cửa tự do và đối mặt với rủi ro lây nhiễm mạnh.

Thứ hai, các thống đốc sẽ phải trả lời chất vấn của tổng thống nếu mọi chuyện chệch hướng bởi Putin cảnh báo rằng những nhà lãnh đạo “không ứng phó dịch bệnh sẽ đối mặt với trách nhiệm hình sự.”

Ông Golosov nói: “Chính quyền liên bang thực thi chiến lược vừa đẩy trách nhiệm về mọi thất bại, nếu có, trong cuộc chiến chống virus Corona cho giới chức khu vực, vừa có thể nhận toàn bộ vinh quang nếu họ chiến thắng đại dịch.”

Dù chiến lược của Putin có thể giúp ông giảm bớt các sức ép trong ngắn hạn song ông khó có thể phớt lờ những ảnh hưởng dài hạn của cuộc khủng hoảng này.

Dịch COVID-19 ập vào Nga ở thời điểm khá nhạy cảm với Tổng thống Putin, buộc ông phải hoãn cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp, với những nội dung liên quan đến việc dỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống, cho phép ông có thể tái tranh cử vào năm 2024 và thậm chí là tiếp tục cầm quyền tới tận 2036.

Trì hoãn đồng nghĩa với việc cuộc trưng cầu ý dân có thể diễn ra ở thời điểm có nhiều rủi ro hơn. Nền kinh tế Nga, hiện cũng đang trong tình trạng căng thẳng do giá dầu lao dốc, đang trên đà rơi vào điều mà nhiều người dự đoán là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Những người chỉ trích cho rằng các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế mà chính phủ trung ương công bố cho đến nay là không đủ, bởi chúng chỉ tương đương khoảng 1,5-2% GDP, một con số quá khiêm tốn khi so với những biện pháp tương đương 10% GDP tại Mỹ, hay hầu hết các nước châu Âu, và thậm chí còn đáng xấu hổ hơn khi đặt cạnh gói kích thích tương đương 20% GDP của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản.

Theo Andrey Kolesnikov, nhà nghiên cứu cấp cao, người phụ trách chương trình về chính trị Nga tại Trung tâm Carnegie Moskva, Putin có nguy cơ để mất sự ủng hộ của giới doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng.

Ông viết trên tờ Gazeta.ru: “Bản hợp đồng xã hội ‘tôi đầu tư cho anh, và anh bỏ phiếu cho tôi’ đang bị xé nát.” Tuy nhiên, bất chấp thực trạng y tế công và nguy cơ khủng hoảng kinh tế ngày càng rõ rệt, Putin vẫn có thể tự tin vào một thực tế là chưa có một ứng cử viên nào sáng giá đủ sức thay thế Putin ở vị trí lãnh đạo nước Nga.

Bà Stanovaya nói: “Trừ khi một cuộc khủng hoảng kéo dài xảy ra, và nhà nước không thể trả lương hưu hay tiền lương trong nhiều tháng, nhà lãnh đạo hiện tại (Putin) vẫn có thể đảm bảo chiến thắng trong các cuộc bầu cử... cho dù tỷ lệ ủng hộ có là bao nhiêu”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.