Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh, hướng tới xây dựng doanh nghiệp điện tử, Hà Nội đã khẩn trương triển khai Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 17/4/2014 và Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 23/4/2015 về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với liên ngành tài chính-kế hoạch và đầu tư-nội vụ-Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, tiến hành khảo sát hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin của gần 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn, doanh nghiệp nhà nước và công ích trực thuộc thành phố.
Kết quả khảo sát của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn và các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc thành phố Hà Nội đã có những bước tiến nhất định, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, về hạ tầng kỹ thuật, hầu hết doanh nghiệp kết nối Internet và trang bị máy tính (từ 10 máy đến 100 máy) phục vụ công tác. Các doanh nghiệp cũng đã quan tâm sử dụng các phần mềm diệt virus nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống mạng, các máy chủ và dữ liệu. Về ứng dụng phần mềm, trên 90% doanh nghiệp có ứng dụng website, sử dụng MsWord để soạn thảo văn bản và sử dụng hệ thống thư điện tử miễn phí.
Một số doanh nghiệp đã ứng dụng các phần mềm như quản lý nhân sự, quản lý kế toán tài chính, quản lý quan hệ khách hàng, quản lý mua hàng, quản lý tồn kho, quản lý dự án... Về nhân lực phụ trách chiến lược đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, theo số liệu khảo sát, phần lớn các doanh nghiệp có phân công một lãnh đạo phụ trách về công nghệ thông tin. Hàng năm, doanh nghiệp thường đầu tư khoảng 0,15% đến 0,3% trên tổng doanh thu dành cho ứng dụng công nghệ thông tin.
Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã xác định ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin là nhiệm vụ ưu tiên chiến lược của Thủ đô, góp phần nâng cao hiệu quả sản suất, kinh doanh trong doanh nghiệp, tạo nền tảng và động lực để phát triển kinh tế-xã hội, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.
Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay, các doanh nghiệp Hà Nội đã từng bước có những bước đi tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư và ứng dụng thành công các hệ thống thông tin quản lý, góp phần nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; đồng thời nắm bắt được sức mạnh của Internet và xu thế phát triển của thương mại điện tử để quảng bá thương hiệu và sản phẩm, mở rộng thị trường, giảm chi phí kinh doanh, tăng doanh thu và lợi nhuận.
Đặc biệt, trong lĩnh vực vận hành sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính đã sử dụng công nghệ thông tin ở mức độ khá cao để vận hành sản xuất, cung ứng dịch vụ... Bên cạnh đó, khá nhiều doanh nghiệp ứng dụng tự động hóa trong sản xuất, thiết kế, bán hàng...
Ông Nguyễn Bá Quỳnh, Giám đốc khối khách hàng Chính phủ và doanh nghiệp Nhà nước, Microsoft Việt Nam cũng cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp quản trị tốt hơn, với các phần mềm chuyên biệt cho phép doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, tăng năng suất, tiết kiệm chi phí và tạo ra động lực, sức mạnh cạnh tranh mới, nâng tầm doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 117.000 doanh nghiệp, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả.
Do phần lớn các doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên mức độ ứng dụng công nghệ thông tin mới chỉ dừng lại ở mức ứng dụng cơ bản, nhỏ lẻ, chưa mang tính tổng thể, các doanh nghiệp chưa quan tâm đầy đủ đến việc đảm bảo an toàn, an ninh, xây dựng môi trường chính sách, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế./.