Đánh bom Brussels: Mối nguy từ các "xóm liều" nuôi dưỡng cực đoan

Dù rằng giới chức Bỉ và các nhà lãnh đạo các nước châu Âu đã chuẩn bị cho các kịch bản thảm họa, nhưng mỗi khi xảy ra một vụ tấn công khủng bố, giới chức luôn rơi vào thế bị động.
Đánh bom Brussels: Mối nguy từ các "xóm liều" nuôi dưỡng cực đoan ảnh 1Người dân Bỉ đặt hoa và thắp nến tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong loạt vụ tấn công tại Brussels. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hỗn loạn, bàng hoàng và bất lực! Đó là cảm nhận chung không chỉ của người dân thành phố Brussels, người dân Bỉ, mà mọi người dân khắp châu Âu.

Dù rằng giới chức Bỉ và các nhà lãnh đạo các nước châu Âu đã chuẩn bị cho các kịch bản thảm họa, nhưng mỗi khi xảy ra một vụ tấn công khủng bố, giới chức luôn rơi vào thế bị động.

Kể từ sau vụ khủng bố 13/11/2015 tại Paris, cảnh sát Bỉ đã phối hợp chặt chẽ với cảnh sát Pháp và cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) tiến hành hàng trăm vụ truy lùng gắt gao tại Brussels mà kết quả là bắt được tên khủng bố khét tiếng Salah Abdeslam, một chiến công từng khiến cho các cơ quan chống khủng bố Pháp và Bỉ cảm thấy nhẹ nhõm như đã tháo được một nút thắt cho các cuộc điều tra về loạt vụ khủng bố tại Paris.

Thế nhưng, chỉ vài ngày sau đó, các vụ khủng bố liên hoàn tại sân bay quốc tế Zaventem và ga tàu điện ngầm Maelbeek tại trung tâm Brussels khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương khiến giới chức chống khủng bố của Bỉ nói riêng và châu Âu nói chung không khỏi bàng hoàng.

Rõ ràng, những kẻ khủng bố đã khéo léo giấu mình "trong bóng tối" trước các vụ bố ráp liên tục của cảnh sát Bỉ và việc chúng tiến hành khủng bố ngay tại các địa điểm được canh phòng cẩn mật là sân bay quốc tế và ga tàu điện ngầm gần trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) là một lời thách thức đối với các nhà chức trách Bỉ cũng như các nhà lãnh đạo châu Âu.

Theo ông Roland Jacquard, Chủ tịch tổ chức "Đài quan sát quốc tế về chủ nghĩa khủng bố," loạt vụ tấn công tại Brussels cũng như Paris cho thấy các lực lượng khủng bố đã “chiến thắng” các nhà nước châu Âu ở nhiều cấp độ. Chúng áp đặt luật chơi khiến nhiều nước phải đối phó với nguy cơ khủng bố bằng cách thiết lập "tình trạng khẩn cấp," gây tổn hại cho nền kinh tế khi buộc các quốc gia phải tăng cường lực lượng và chi phí để triển khai các biện pháp an ninh; cuối cùng là tiến hành các cuộc tấn công dã man, tàn bạo gây thương vong lớn cho người dân vô tội.

Loạt vụ tấn công ở Brussels cho thấy những gì các cơ quan chức năng đã nhận định là chính xác, nguy cơ bị tấn công khủng bố tại Pháp, Bỉ cũng như nhiều thành phố trên toàn châu Âu là rất cao.

Việc Salah Abdeslam, nghi phạm bị truy lùng gắt gao nhất tại châu Âu, có thể lẩn trốn trong thời gian bốn tháng tại quận Molenbeek ở thủ đô Brussels của Bỉ chứng tỏ rằng những kẻ cực đoan có mạng lưới khá vững chắc để có thể “cưu mang” những tên tội phạm và chúng đã lập hang ổ khủng bố ngay trong lòng châu Âu.

Cần phải nhìn thẳng vào sự thật là các khu phố nhập cư ở Brussels hay các khu ngoại ô nghèo ở Paris thường được ví như "xóm liều." Tại đây, một bộ phận những đứa trẻ con em của người nhập cư không được học hành, lêu lổng, đã đến với con đường tội phạm, bị tiêm nhiễm các tư tưởng cực đoan và được chiêu mộ để tham gia lực lượng thánh chiến.

Chính vì vậy, không hề cường điệu khi nói rằng ở châu Âu không chỉ có một “xóm liều” Molenbeek ở Brussels, mà còn có nhiều “xóm liều” như vậy ở Paris, Madrid, Roma và nhiều thành phố khác.

Nếu nhìn châu Âu theo chiều sâu, chúng ta có thể nhận thấy một vấn đề nghiêm trọng là các nhà lãnh đạo châu Âu và dân chúng châu Âu cũng đang rất mâu thuẫn nhau, thậm chí là có quan điểm trái ngược nhau trong việc xác định nguy cơ và biện pháp chống lại chủ nghĩa khủng bố, nhất là khủng bố mượn danh tôn giáo.

Trong khi nhiều người cho rằng cần có các biện pháp tăng cường an ninh, phân định những người theo những tôn giáo cực đoan thì không ít chính trị gia và người dân lại rất “ngây thơ” trước những nguy cơ tiềm tàng đến từ những kẻ theo những tôn giáo cực đoan ngay chính trong lòng châu Âu.

Thậm chí, những cộng đồng tôn giáo cực đoan ấy còn lớn tiếng đòi hỏi quyền lợi, đòi chính phủ, xã hội và cộng đồng chấp nhận những quy tắc tôn giáo cực đoan của họ.

Thêm vào đó, hàng ngày, hàng giờ, dòng người nhập cư từ Trung Đông-châu Phi vẫn tiếp tục tràn vào châu Âu và không cơ quan chức năng nào có thể kiểm soát được đâu là người nhập cư chạy trốn chiến tranh và đói nghèo thực sự, đâu là những kẻ khủng bố, thành viên của IS.

Cho đến nay, dù đã trải qua rất nhiều cuộc họp cấp cao trong nội bộ EU và giữa EU với các đối tác khác như Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng EU vẫn chưa tìm ra được giải pháp để ngăn chặn dòng người nhập cư vào châu lục này. Chính sách của các nước về vấn đề này cũng rất khác nhau.

Trong khi nhiều thành viên EU ở Đông Âu không ngần ngại từ chối tiếp nhận người di cư thì Đức lại sẵn sàng mở toang cửa đón dòng người di cư lên đến hơn 1 triệu người vào nước này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tin rằng nước Đức đang thực hiện một sứ mệnh đạo đức hơn là chính trị và kinh tế, rằng không hẳn Đức cần người di cư để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động.

Dù giải thích theo cách nào đi nữa thì rõ ràng là trong dòng người đó, nhất định sẽ có những đối tượng mang đến cho Đức nhiều nguy cơ bất ổn không thể kiểm soát trong tương lai.

Bên cạnh đó, ngay trong dư luận châu Âu đã có nhiều tiếng nói yêu cầu đóng cửa các đường biên giới, hủy bỏ Hiệp định đi lại tự do Schengen, trục xuất người tị nạn...

Những quan điểm đó không hẳn là không có lý. Nó cho thấy mức độ nghiêm trọng của nguy cơ khủng bố từ những kẻ Hồi giáo cực đoan trà trộn trong cộng đồng người nhập cư, đồng thời cũng phô bày những chia rẽ, rạn nứt trong nội bộ EU về những vấn đề gai góc của châu lục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.