Đánh giá việc thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia tại Bình Dương

Bình Dương thực hiện thả muỗi trong khoảng 20 tuần, mỗi tuần thả 1,5 triệu trứng, kéo dài từ tháng 3-8/2022 tại 2.707 điểm thuộc 5 phường của thành phố Thủ Dầu Một.
Đánh giá việc thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia tại Bình Dương ảnh 1Treo thí điểm cốc nuôi nang chứa trứng muỗi vằn mang Wolbachia trước cửa nhà dân. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

Ngày 11/8, tại Bình Dương, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cùng các đối tác tại Việt Nam đã tổ chức tổng kết Dự án Wolbachia khu vực phía Nam, hướng tới giảm thiểu sự lây truyền của bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Wolbachia là dự án thả trứng muỗi hoặc muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia để kiểm soát bệnh sốt xuất huyết.

Đây là vi khuẩn tự nhiên hiện diện ở khoảng 60% các loài côn trùng như: chuồn chuồn, ruồi giấm, bươm bướm và muỗi; không có biến đổi gene muỗi, an toàn cho người, động vật và môi trường.

Sau khi được thả ra, muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia sẽ giao phối với muỗi hoang dã tại địa phương và giúp truyền Wolbachia trong đàn muỗi.

Bằng cách này, dần dần nhóm muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia trong tự nhiên sẽ được nhân lên ngày càng nhiều. Từ đó, giúp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh nguy hiểm do muỗi vằn.

Các nghiên cứu đến nay cho thấy muỗi vằn có mang vi khuẩn Wolbachia giúp làm giảm lây truyền các mầm bệnh như sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika, virus Chikungunya và sốt vàng da ở người.

Bình Dương thực hiện thả muỗi trong khoảng 20 tuần, mỗi tuần thả 1,5 triệu trứng, kéo dài từ tháng 3-8/2022 tại 2.707 điểm thuộc 5 phường của thành phố Thủ Dầu Một là Phú Cường, Phú Hòa, Phú Lợi, Hiệp Thành và Chánh Nghĩa.

[Bình Dương: Thả 30 triệu muỗi mang Wolbachia phòng sốt xuất huyết]

Dự án Wolbachia cũng tổ chức 2.571 điểm thả trứng muỗi mang Wolbachia tại 8 phường trên địa bàn thành phố Mỹ Tho trong thời gian 5 tháng.

Sau đó, dự án sẽ tiến hành xác định tỷ lệ quần thể muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia ở các thành phố trong vòng 6 tháng sau khi hoàn tất phóng thả muỗi; xác định tính an toàn và hiệu quả trong phát triển tự nhiên của muỗi Aedes aegypti địa phương mang Wolbachia tạo ra trong môi trường; xác định tỷ lệ quần thể muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia dài hạn từ 6-18 tháng sau khi hoàn tất phóng thả muỗi; ước tính tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết trong khu vực thả muỗi...

“Dự án đã thả muỗi trên tổng diện tích 36km2 với số dân 261.000 người ở 13 phường trung tâm của 2 thành phố (5 phường ở Thủ Dầu Một và 8 phường ở Mỹ Tho).

Đánh giá việc thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia tại Bình Dương ảnh 2Hướng dẫn cách nuôi nang chứa trứng muỗi vằn mang Wolbachia. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

Quần thể muỗi mang vi khuẩn Wolbachia đang phát triển để thiết lập ổn định. Các hoạt động theo dõi kết quả dự án sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2024 và 2025 để khẳng định việc thiết lập quần thể muỗi mang Wolbachia và các tác động về y tế cộng đồng,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Theo kế hoạch, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và các đối tác của Viện sẽ triển khai các hoạt động theo dõi quần thể muỗi mang vi khuẩn Wolbachia tại hai địa phương đã triển khai thả muỗi cho đến tháng 7/2025.

Các ca mắc sốt xuất huyết vẫn có thể phát sinh sau khi thả muỗi bởi vì cần có thời gian để tỷ lệ Wolbachia tăng dần và thiết lập ổn định trong quần thể muỗi vằn.

Ngoài ra, còn do người dân di chuyển tới các khu vực có nguy cơ cao về sốt xuất huyết Dengue mà chưa thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia. Tuy nhiên, số ca mắc được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể khi mật độ muỗi vằn mang Wolbachia tăng lên.

“Từ tháng 11/2022 đến tháng 7/2025, dự án triển khai các hoạt động theo dõi sau thả muỗi bao gồm: thu thập mẫu muỗi để theo dõi tỷ lệ muỗi mang Wolbachia và sử dụng số liệu báo cáo sốt xuất huyết Dengue sẵn có của hai thành phố để theo dõi tỷ lệ mới mắc sốt xuất huyết Dengue,” Thạc sỹ, bác sỹ Dương Lệ Quyên, đại diện Chương trình Muỗi Thế giới cho biết.

Năm 2018, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã triển khai thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia tại xã Vĩnh Lương (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) để đánh giá khả năng thiết lập ổn định của quần thể muỗi vằn mang Wolbachia trên thực địa hẹp tại thành phố.

Năm năm sau khi kết thúc thả muỗi, quần thể muỗi mang Wolbachia đã được thiết lập thành công và duy trì ở tỷ lệ cao tại địa phương. Phương pháp này đang góp phần bảo vệ người dân xã Vĩnh Lương hạn chế mắc sốt xuất huyết Dengue.

Tính đến tuần thứ 27 của năm 2023, trên địa bàn tỉnh Bình Dương ghi nhận 1.233 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, giảm 83,5% so với cùng kỳ năm 2022; chưa ghi nhận ca tử vong.

Số ca nặng là 35 ca, chiếm 2,8% số ca mắc (giảm 260 ca). Số ổ dịch được phát hiện là 340 ổ, giảm 73,8%. Khảo sát tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh cho thấy, số bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám, điều trị đã giảm.

Bác sỹ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết, để kéo giảm số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn, từ đầu năm, ngành Y tế tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm hạn chế ca mắc và chuyển nặng.

Trung tâm phối hợp với Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tập huấn phòng, chống bệnh sốt xuất huyết cho cán bộ chuyên trách tại các huyện, thị xã, thành phố.

Đặc biệt, Trung tâm đẩy mạnh công tác truyền thông, tổng vệ sinh môi trường, duy trì chế độ giám sát ca bệnh hàng ngày, điều tra côn trùng hàng tháng tại phường Tân Phước Khánh (thành phố Tân Uyên) và thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng).

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh phối hợp với Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh duy trì đặt 88 bẫy muỗi để thu muỗi mang vi khuẩn Wolbachia mang về xét nghiệm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.