Trang mạng eurasiareview.com đã có một lời giải thích hợp lý về lý do tại sao Ấn Độ và Brazil, hai nước có dân số đông và nền kinh tế lớn và đang phát triển, không phải là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Hội đồng Bảo an, gồm 5 nước ủy viên thường trực và 10 nước thành viên không thường trực được bầu luân phiên, được thành lập để phản ánh một trật tự thế giới hình thành sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Đơn giản là: những người đứng về phe những người thắng cuộc đã được trao tư cách ủy viên thường trực và quyền phủ quyết vốn cho phép một quốc gia đơn lẻ thách thức quyết tâm của cả cộng đồng quốc tế.
Hệ thống bất công này, đã không ngừng làm suy yếu nền tảng đạo đức của Liên hợp quốc, vẫn còn hiệu lực cho đến nay.
Khóa họp lần thứ 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York thể hiện cả sự bất lực của Liên hợp quốc trong vai trò một tổ chức toàn cầu trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách, lẫn bối cảnh chính trị hỗn loạn do thiếu sự thống nhất của tổ chức này.
Việc lạm dụng quyền phủ quyết, thiếu trách nhiệm giải trình và cơ cấu đại diện bất bình đẳng trong Hội đồng Bảo an - chẳng hạn, không một quốc gia châu Phi hay Nam Mỹ nào là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an - đã làm suy yếu một tổ chức có tầm quan trọng, ít nhất là trên giấy tờ, trong việc duy trì luật pháp quốc tế và gìn giữ hòa bình và an ninh toàn cầu.
Mặc dù ủng hộ "nhu cầu có một Liên hợp quốc mạnh hơn," cựu báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc Richard Falk cho rằng: "Từ góc độ đánh giá các xu hướng địa chính trị hiện nay, Liên hợp quốc dường như đã đánh mất vai trò trong việc xử lý các thách thức chung, mà nếu các quốc gia tự hành động một mình thì không thể hy vọng vượt qua được."
Một số vấn đề này liên quan với nhau và không thể được giải quyết thông qua các giải pháp ngắn hạn hoặc tạm thời. Ví dụ, biến đổi khí hậu thường dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và nạn đói, từ đó góp phần làm gia tăng mức độ di cư và kéo theo sự phân biệt chủng tộc và bạo lực.
Cuối năm ngoái, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cho biết nạn đói toàn cầu đang tăng lên, bất chấp mọi nỗ lực kiềm chế và cuối cùng là đạt được mục tiêu "không còn tình trạng đói."
Theo WFP, có 815 triệu người bị đói trong năm 2016 - tăng gần 40 triệu so với năm trước đó. Cơ quan này gọi con số thống kê mới nhất là "bản cáo trạng đối với nhân loại."
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thất bại là một bản cáo trạng khác của nhân loại.
Hiệp định Paris năm 2016 là thời khắc chói lọi hiếm hoi đối với Liên hợp quốc, khi các nhà lãnh đạo của 195 quốc gia đã nhất trí giảm lượng phát thải khí carbon dioxide (CO2) thông qua việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, niềm hân hoan đã sớm tắt ngấm. Tháng 6/2017, Chính phủ Mỹ đã rút khỏi hiệp ước toàn cầu này, một lần nữa đặt thế giới vào mối hiểm họa của sự ấm lên toàn cầu do tác động tàn phá của nó đối với nhân loại.
Quyết định này của chính quyền Trump là ví dụ điển hình cho vấn đề nền tảng trong Liên hợp quốc, nơi một quốc gia có thể thống trị hoặc làm gián đoạn toàn bộ chương trình nghị sự quốc tế, cho thấy Liên hợp quốc thực tế bị gạt sang một bên.
Điều thú vị là Liên hợp quốc được thành lập năm 1945 để thay thế một tổ chức cũng bị gạt ra ngoài lề và hoạt động không hiệu quả, đó là Hội quốc liên.
Nhưng nếu Hội quốc liên bị mất tín nhiệm vì sự bất lực trong việc ngăn chặn chiến tranh, thì tại sao Liên hợp quốc lại sống sót trong suốt những năm này?
Có lẽ, trước hết, thời điểm đó Liên hợp quốc được thành lập không phải để giải quyết các vấn đề chiến tranh hay an ninh toàn cầu, mà đúng hơn là để đáp ứng nhu cầu về một mô hình quyền lực mới phục vụ những người đầu tư nhiều nhất cho sự tồn tại của tổ chức dưới hình thức hiện nay.
Ngay sau khi Liên hợp quốc được thành lập, Mỹ và các đồng minh của họ đã vươn lên chi phối chương trình nghị sự toàn cầu.
Kinh nghiệm cho thấy Mỹ đã tận tâm với Liên hợp quốc khi tổ chức quốc tế này phục vụ chương trình nghị sự của Mỹ, nhưng không tự ràng buộc hay gánh vác trách nhiệm bất cứ khi nào tổ chức này không đáp ứng được kỳ vọng của Washington.
Ví dụ, cựu Tổng thống George W. Bush đã liên tục chỉ trích Liên hợp quốc vì không ủng hộ các nỗ lực phát động cuộc chiến tranh phi pháp chống Iraq.
Trong một bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2002, ông Bush đã đặt câu hỏi: "Liên hợp quốc liệu có đáp ứng được mục đích thành lập hay sẽ bị gạt sang bên lề?"
Tất nhiên, "mục đích thành lập Liên hợp quốc" ở đây dựa trên cơ sở chương trình nghị sự của Mỹ vốn là ưu tiên hàng đầu của Liên hợp quốc trong nhiều thập kỷ.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc đã không ngừng nỗ lực để làm suy yếu dần các tổ chức của Liên hợp quốc từ chối phục tùng Mỹ.
Nikki Haley, Đại sứ Mỹ hiện nay tại Liên hợp quốc, hung hăng hơn những người tiền nhiệm, do ngôn ngữ và chiến thuật phi ngoại giao của bà - đặc biệt trong bối cảnh Israel chiếm đóng bất hợp pháp và phân biệt chủng tộc đối với Palestine - càng cho thấy rõ mối quan hệ xấu đi giữa Washington và Liên hợp quốc.
Quả thực, Liên hợp quốc không phải là một tổ chức đơn khối. Đó là một thể chế siêu quốc gia hoàn toàn phản ánh bản chất của quyền lực toàn cầu.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Liên hợp quốc đã bị phân chia giữa các xu hướng chính trị và hệ tư tưởng do kết quả của Chiến tranh Lạnh.
Vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Liên hợp quốc đã trở thành một công cụ của Mỹ phản ánh mục tiêu thống trị toàn cầu của Mỹ.
Kể từ năm 2003, Liên hợp quốc đã bước vào một kỷ nguyên mới, trong đó Mỹ không còn là siêu cường bá chủ duy nhất.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc và Nga như các trung tâm kinh tế và quân sự, cùng với sự xuất hiện của các liên minh kinh tế và liên minh khu vực ở những nơi khác, đang tạo ra một thách thức lớn hơn và ngày càng tăng đối với Mỹ tại Hội đồng Bảo an và các cơ quan khác của Liên hợp quốc.
Mặc dù Đại hội đồng Liên hợp quốc vẫn hầu như không có quyền hạn gì nhưng đôi lúc vẫn có thể thách thức sự thống trị của các cường quốc thông qua sự hỗ trợ của các cơ quan khác của Liên hợp quốc, như UNESCO, Tòa án Tư pháp Quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới...
Thế giới đang thay đổi rất lớn nhưng Liên hợp quốc vẫn tiếp tục hoạt động dựa trên một mô hình lạc hậu và có nhiều khiếm khuyết, vốn đã trao cho những người giành chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai tư cách là những nhà lãnh đạo thế giới.
Không thể có hy vọng cho Liên hợp quốc nếu tổ chức này tiếp tục hoạt động dựa trên những giả định sai lầm như vậy, và không nên tiến hành một cuộc chiến tranh thế giới khác để Liên hợp quốc được cải cách để phù hợp với thực tế mới và không thể đảo ngược này./.